Phải có giải pháp hạn chế tối đa tiêu cực trong dự án ODA

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu một số chỉ đạo nhằm tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn về ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung phòng và chống tiêu cực trong các dự án này.
Phải có giải pháp hạn chế tối đa tiêu cực trong dự án ODA

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tăng cường hơn nữa hiệu lực,
hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Phát biểu kết luận tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA với sự tham dự của nhóm 6 ngân hàng phát triển quốc tế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu lại vụ việc nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) và coi đây là điểm “đáng xấu hổ” trong bức tranh đánh giá toàn cảnh về ODA năm 2014 với những kết quả tích cực: Giải ngân tiếp tục đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng 9% so với 2013, về việc đưa vào khai thác, vận hành hiệu quả một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia như cầu đường Nhật Tân, Nhà ga T2-Nội Bài; đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai… góp phần hiện đại hóa hạ tầng, thúc đẩy liên kết phát triển đất nước.

Đánh giá các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên là phải có biện pháp hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực, qua đó tiếp tục thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn được dự báo sẽ ngày càng khó khăn, hạn chế trong thời gian tới.

“Trong điều hành nhiệm vụ năm 2015 trở đi, cứ 6 tháng 1 lần, tại báo cáo đánh giá về triển khai các dự án, các ban quản lý, các chủ đầu tư phải có phần riêng báo cáo về kiểm soát tiêu cực và lãng phí như thế nào. Thấy có vấn đề gì có khả năng, có nguy cơ như thông thầu, chạy thầu thì phải báo cáo ngay. Không để sự việc trôi đi không xử lý để sai phạm có cơ hội diễn ra”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Các cơ quan bộ, ngành là cấp quản lý, cấp quyết định dự án trong quá trình kiểm tra cũng phải có báo cáo riêng về vấn đề này khi họp Ban Chỉ đạo, chứ không chỉ vấn đề giải ngân, tiến độ… các dự án.

Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu mối trong xây dựng kế hoạch năm 2015 của Ban Chỉ đạo cũng đưa ra các hành động cụ thể, “không chỉ ngồi họp suông” mà phải “sờ” vào từng dự án điểm, lập các đoàn kiểm tra, thậm chí là kiểm tra chéo giữa các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến xử lý tồn tại được phản ánh lâu nay là vấn đề chất lượng các ban quản lý dự án không đảm bảo, ảnh hưởng tới triển khai, tạo cơ hội cho lãng phí tiêu cực.

“Sắp tới, trong xây dựng mô hình ban quản lý phải đảm bảo yêu cầu, như vấn đề thuê tư vấn dự án. Không nên quyết định dự án rồi mới thành lập ban quản lý mới tinh, rồi nhiều cái phải học từ đầu, có thể là nguyên nhân của những yếu kém hay tiêu cực sau này”, Phó Thủ tướng nói.

Phải có giải pháp hạn chế tối đa tiêu cực trong dự án ODA

Tập trung triển khai, giải ngân các nguồn đã cam kết

Đánh giá cao kết quả giải ngân ODA thời gian qua và phân tích tình hình nguồn hỗ trợ phát triển chung của thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng, việc thu hút các nguồn vốn này sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ trước hết của năm 2015 cũng như thời gian tới cho triển khai ODA và vốn vay ưu đãi là nâng cao năng lực để giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Việt Nam đã cam kết, đã ký với các nhà tài trợ.

Số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỷ USD. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu USD chi phí cơ hội.

Phó Thủ tướng cho rằng, các hạn chế trong triển khai ODA chưa được giải quyết căn cơ và yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phải bám sát Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ để cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015.

Trong đó, cần nâng cao công tác chuẩn bị dự án, phải biến điều này thành văn bản quy phạm pháp luật bằng việc quy định rõ về thời gian, các điều kiện về hồ sơ dự án, tăng cường công tác chuẩn bị, tiến độ đàm phán ký kết, xử lý những điểm bị trùng lắp, mất thời gian trong quá trình chuẩn bị.

Bộ KH&ĐT làm đầu mối tiếp thu những đánh giá, khuyến nghị của các nhà tài trợ quốc tế, có báo cáo đánh giá kết quả chung thời gian qua, xây dựng định hướng mới cho giai đoạn 2016-2020, chú ý các mục tiêu, dự án ưu tiên phải điều chỉnh, bổ sung; rà soát lại cơ quan đầu mối, hài hòa các thủ tục, phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi) 2013, Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về rà soát các dự án, đưa thông tin xử lý các dự án thuộc “danh sách đen” để những vướng mắc kịp đến cấp quyết định sớm nhất có thể; lưu ý vấn đề báo cáo đánh giá về quản lý, sử dụng ODA cho các cấp có thẩm quyền, nhất là Quốc hội đang quan tâm tới vấn đề nợ công, tái cơ cấu đầu tư.

Chuẩn bị tiến độ đàm phán và ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt với các chương trình, dự án trong Danh mục IDA 2015-2017 để tạo thuận lợi cho việc vận động Chương trình IDA 18; nghiên cứu giải pháp, các mô hình giải phóng mặt bằng để cải thiện kết quả công việc này.

Theo Nguyên Linh/VGP News