Phân tích thị trường và tiêu thụ nông sản ở ta còn rất yếu
- Thứ sáu - 16/03/2018 09:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội nghị trên do Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức. Tới dự hội nghị có: Trưởng Ban Dân vận TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và đại diện lãnh đạo hội nông dân 17 tỉnh, TP.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát biểu tại hội nghị.
Phối hợp thực hiện hiệu quả nhiều chương trình
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội ND T.P Hà Nội với Hội ND các tỉnh, thành, lãnh đạo Hội ND T.P Hà Nội cho biết, chương trình được triển khai từ năm 2014. Đến nay có 17 tỉnh, thành ký chương trình phối hợp với Hội ND T.P Hà Nội. Trong 4 năm qua, chương trình phối hợp của Hội ND T.P Hà Nội và 17 tỉnh thành khác đã thực hiện tốt 2 nội dung chính là công tác là hoạt động thông tin, tuyên truyền và trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Cụ thể: Đến nay đã có hàng trăm mô hình kinh tế của nông dân Hà Nội và các tỉnh được tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đáng chú ý, hoạt động trợ giúp nông dân xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được Hội ND các tỉnh, thành triển khai đồng bộ.
Lãnh đạo Hội ND 17 tỉnh, thành phố phát biểu tại hội nghị.
Theo đó, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương), hải sản (Thanh Hóa, Quảng Ninh), chè Tân Cương (Thái Nguyên)… Qua chương trình phối hợp, hàng ngàn cơ sở cung cấp nông sản an toàn có nhãn hiệu hàng hóa, tem nhận biết, bao bì chứa đựng thực phẩm được trực tiếp đưa vào tiêu thụ tại các điểm bán hàng, siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội.
Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, chỉ tính riêng năm 2017, Hội ND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị làng nghề truyền thống và nông sản chất lượng cao với quy mô 48 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng ngàn sản phẩm nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ của 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và 16 huyện, thị xã trên địa bàn TP”.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: Qua chương trình phối hợp, Hội ND tỉnh Thái Bình đã đổi mới hoạt động trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ hội viên, ND Thái Bình. Đó là trao đổi học tập kinh nghiệm theo chuyên đề cây, con, chuyên đề về tư vấn, hỗ trợ ND xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp…
Mấy ngày qua, nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) ế, đổ bỏ hàng chục tấn củ cải. Ảnh: Nguyễn Chương.
Tập trung xây dựng mô hình liên kết
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng đánh giá cao chương trình phối hợp cũng như vai trò chủ động xuyên suốt của Hội ND TP Hà Nội trong việc xây dựng chương trình phối hợp...
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng đề nghị: Trong thời gian tới, Hội ND TP Hà Nội và Hội ND 17 tỉnh cần thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Trong đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh phối hợp trên tất cả các lĩnh vực: Giao thương, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao.
“Hội ND Hà Nội và Hội ND các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giúp ND xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản hàng hóa. Về phân tích thị trường và tiêu thụ nông sản, nông dân Việt Nam còn rất yếu…Hội ND phải làm cầu nối vận động các doanh nghiệp đầu tư liên kết, góp vốn… phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh...
Thông qua các chương trình chuyển giao, học tập kinh nghiệm làm giàu giữa nông dân Hà Nội với các tỉnh, thành đã có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng, nhiều loại nông sản chất lượng cao của các vùng miền được đưa về thủ đô tiêu thụ. |