Phát huy 3 thế mạnh để tăng tốc phát triển
- Thứ bảy - 14/11/2015 11:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp Bình Phước có hướng chủ đạo là trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu và cây ăn trái. Hiện tổng diện tích toàn tỉnh đạt 405.780 ha, năm 2015 giá trị sản xuất ước đạt 8.507 tỷ đồng theo giá so sánh 1994. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, hiện đại được chú trọng phát triển, cung cấp bổ sung cho nhu cầu thị trường trong tỉnh và khu vực, đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho người sản xuất. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất được quan tâm. Hàng chục đề tài nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong đó chuyển giao nhiều mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Doanh nghiệp luôn quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ; công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi và từng bước nâng cấp hiện đại. Nông dân đã luôn sáng tạo, quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất cây trồng, vật nuôi.
Đại hội lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định, những năm tới ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng nông, lâm nghiệp toàn diện, tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến. Quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, với khả năng cung cấp đủ nhu cầu của các nhà máy chế biến. Trước mắt thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thực phẩm, cao su, trái cây để tận dụng nguồn nguyên liệu đã có sẵn, giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Cụ thể là tập trung phát huy các tiềm năng, thế mạnh sau:
Thứ nhất là phát huy thế mạnh về cây công nghiệp, cây ăn trái: Trên cơ sở thổ nhưỡng, khí hậu, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, cây ăn trái tạo khối lượng sản phẩm lớn, đảm bảo tiêu chuẩn VIETGAP; phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng diện tích 474.815 ha; chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất cây điều, cao su, tiêu, cà phê theo hướng bền vững, phát triển vùng cây ăn trái, nhất là cây có múi nhằm ổn định và nâng cao dần thu nhập cho người sản xuất. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất; có chính sách cụ thể đối với quỹ đất nông nghiệp sau quy hoạch 3 loại rừng theo hướng hợp đồng giao khoán hoặc cho thuê đất trồng các loại cây theo quy hoạch; nhà nước tổ chức cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật, kết nối hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến. Hình thành các hội, hiệp hội phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất.
Tại phiên họp ngày 14-11-1945, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết nghị thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ giải quyết nạn đói và soạn thảo chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trải qua lịch sử 70 năm hình thành và phát triển, đến nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Từ Bộ Canh nông (1945) đến Bộ Nông lâm và Bộ Thủy lợi (1955); Bộ Nông nghiệp; Bộ Nông trường; Tổng cục Thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp (1960); Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (1971); Bộ Hải sản và Bộ Nông nghiệp (1976); Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực (1981); Bộ Nông nghiệp (1987). Tháng 10-1995, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản. Tháng 8-2007, tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XII đã quyết định hợp nhất Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bộ Canh nông, ngày 18-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14-11 là Ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. |
Thứ hai là phát huy thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, hiện đại: Phát huy các lợi thế của tỉnh, quy hoạch xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn, hiện đại; sớm đưa ngành chăn nuôi trở thành mũi nhọn, có thu nhập cao; kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, gắn với xây dựng cơ sở chế biến thức ăn gia súc và phát triển công nghiệp chế biến. Ưu tiên phát triển đàn trâu, bò, heo, gà đưa quy mô tổng đàn gia súc đến năm 2020 đạt trên 800 ngàn con, tổng đàn gia cầm đạt trên 9 triệu con. Có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; kết hợp phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn hiện đại với chăn nuôi hộ theo hướng hàng hóa gắn với giết mổ, chế biến và xây dựng vùng an toàn dịch, bệnh. Quan tâm công tác chăm sóc thú y, tạo giống mới chất lượng cao, bảo tồn các loại gen quý của địa phương đưa vào chăn nuôi tạo sản phẩm đặc trưng của Bình Phước phục vụ nhu cầu thị hiếu.
Thứ ba là phát huy thế mạnh về tài nguyên rừng: Đẩy mạnh chương trình trồng rừng tập trung, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, trồng cây phân tán, rừng bán ngập; bảo vệ hệ sinh thái và các nguồn gen quý hiếm. Tuyên truyền sâu rộng pháp luật về rừng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong vùng địa bàn có rừng để mọi người dân, mọi tổ chức nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng quản lý bảo vệ rừng; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý bảo vệ, gắn trách nhiệm của chủ rừng, của cấp ủy, chính quyền địa phương làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng; buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép... Bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời khai thác hợp lý diện tích rừng đặc dụng phục vụ du lịch sinh thái.
Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể đó, trong những năm tới ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn chắc chắn sẽ phát triển ổn định và đúng hướng, tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh.