Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ở Nam Đàn
- Thứ tư - 22/03/2017 22:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả từ một cuộc vận động
Một trong số các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam khởi xướng được MTTQ huyện Nam Đàn triển khai có hiệu quả, trước hết phải kể đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bằng sự kiên trì, sáng tạo và chọn điển hình cá nhân, điểm để tác động cụ thể, từ đó tạo sự lan tỏa, MTTQ các cấp ở Nam Đàn đã làm rất tốt việc vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường chung.
Mô hình ớt hàng hóa tại xã Hùng Tiến đem lại hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa. |
Ở xã Nam Nghĩa, MTTQ phối hợp với các tổ chức đoàn thể Nông dân, Phụ nữ, Người Cao tuổi, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên tổ chức vận động trong hội viên của mình gương mẫu đi đầu hiến đất, hiến tài sản và đóng góp tiền để mở rộng và làm đường GTNT. Phối hợp với Đảng ủy, chính quyền làm tốt công tác công khai dân chủ, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng NTM; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tiêu biểu.
Theo ông Bùi Bá Khang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Nghĩa: Thành công của địa phương là đã huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết, không phân biệt gia đình có điều kiện hay không điều kiện cùng chung tay xây dựng NTM.
Minh chứng điều này, ông Khang cho biết, nhiều gương điển hình trong xây dựng NTM là những hộ nghèo đã tự nguyện phá bỏ bờ rào, hiến đất không lấy tiền đền bù và đóng góp thêm tiền xây dựng NTM, như: Gia đình ông Nguyễn Trần Bảy, xóm 7; ông Nguyễn Văn Thống, xóm 7; bà Nguyễn Thị Trâm, xóm 3...
Đối với xã Nam Lộc, điều kiện kinh tế của người dân khá khó khăn nên ngoài vận động thực hiện trên nhiều tiêu chí NTM mà nhân dân là lực lượng chính, thì MTTQ xã tập trung vận động nhân dân thực hiện tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Ông Nguyễn Sỹ Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, cho biết: Để thực hiện được tiêu chí giảm nghèo, trên cơ sở các nghị quyết, đề án, chương trình phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ đều tích cực vận động nhân dân thực hiện. Bởi vậy, cũng đồng đất, con người ấy, nhưng ở Nam Lộc đã có nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả như sản xuất ngô hàng hóa, giống lúa mới, chanh vườn đồi, mô hình dê sinh sản; phát triển các dịch vụ, ngành nghề... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 3,6% và xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016.
Trồng cây bóng mát trên tuyến đường làm mới ở Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa. |
Bên cạnh chỉ đạo, hướng dẫn chung, trên cơ sở rà soát các xã đăng ký về đích NTM hàng năm và các xã còn ít tiêu chí, Uỷ ban MTTQ huyện đều phân công từng đồng chí trong Ban Thường trực và cán bộ cơ quan trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các xã thực hiện các nhiệm vụ để góp sức cùng với địa phương hoàn thành các tiêu chí. Phối hợp với các đoàn thể đảm nhận một số công việc như Hội Nông dân tích cực xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả như mô hình hoa cảnh, cây lúa chất lượng cao, rau màu hàng hóa, nuôi gà bằng đệm lót sinh học, trồng chanh vườn đồi.
Hội Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường với việc tổ chức định kỳ hàng tháng ra quân làm vệ sinh môi trường; tổ chức phong trào sạch từ nhà ra ngõ; xây dựng đoạn đường tự quản xanh - sạch - đẹp. Đoàn Thanh niên vận động thanh niên nông thôn áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời đảm nhận thi công một số công trình, phần việc của thanh niên như tổ chức trồng cây xanh các tuyến đường, chăm sóc, dọn vệ sinh nghĩa trang, các đài tưởng niệm liệt sỹ...
Kết quả 5 năm xây dựng NTM (2011 - 2016), toàn huyện Nam Đàn đã vận động xây dựng và nâng cấp được 527,7 km đường giao thông các loại; nâng cấp tu sửa 86 km kênh mương, 17 trạm bơm, 11 hồ đập; xây mới trên 300 phòng học tại các điểm trường; xây mới 14 nhà văn hóa xã; 18 trụ sở xã; 17 trạm y tế; xây mới, nâng cấp 186 nhà văn hóa xóm, 12 chợ nông thôn và nhiều công trình khác. |
Tăng cường giám sát, phản biện
Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 217/QĐ-TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, công tác giám sát, phản biện được MTTQ các cấp của huyện Nam Đàn tổ chức khá bài bản, linh hoạt, sáng tạo, tranh thủ sự phối của các ban, ngành và các chuyên gia để thực hiện các nội dung giám sát.
Nội dung giám sát, phản biện được lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm cũng như những vấn đề bức xúc, nổi cộm đang đặt ra trên địa bàn. Nổi bật nhất là giám sát việc triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường của UBND huyện ban hành và công tác thu gom, xử lý rác ở từng cơ sở.
Xã Xuân Hòa thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Ảnh: Mai Hoa. |
Với tinh thần trách nhiệm, qua giám sát, MTTQ huyện đã chỉ ra những bất cập, tồn tại có địa chỉ cụ thể trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường và kiến nghị huyện chấn chỉnh; đồng thời lắng nghe thông tin, khó khăn từ cơ sở để phản ánh với UBND huyện giải quyết, tháo gỡ.
Cụ thể, trước giám sát, tình trạng rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất nông nghiệp vứt bừa bãi diễn ra khá phổ biến ở các địa phương, nhất là ở các vùng giáp ranh, trên tuyến Quốc lộ 46, Quốc lộ 15A, các kênh, mương...
Sau giám sát, các địa phương đã quan tâm thành lập các tổ thu gom ở các khu dân cư; duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường theo định kỳ hàng tháng. Đến thời điểm tháng 12/2016 có 17/24 xã, thị trấn ký hợp đồng với Công ty môi trường để thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Đây là thành công lớn nhất để các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Ngoài ra, các chuyên đề giám sát về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; giám sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ; giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021..., đã đem lại nhiều tác động tích cực.
Trường Tiểu học Vân Diên 1 đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Mai Hoa. |
Đối với MTTQ cấp xã tích cực triển khai giám sát, phản biện theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Theo tổng hợp từ cơ quan Ủy ban MTTQ huyện, trong 3 năm, các địa phương đã tổ chức giám sát trên 100 cuộc chuyên đề. Nội dung giám sát được tập trung vào việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác thu - chi xây dựng NTM; xây dựng cơ bản; vệ sinh môi trường...
Qua giám sát, MTTQ cấp xã đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý 25 vụ việc; đồng thời chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế đặt ra trong thực tiễn. Bên cạnh giám sát, MTTQ từ huyện đến cơ sở cũng đã tham gia góp ý, phản biện vào các chủ trương, chính sách, đề án của cấp ủy, chính quyền cùng cấp.
Kết quả trong 3 năm, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức 15 cuộc phản biện; MTTQ cấp xã tổ chức 156 cuộc; góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, chia sẻ: Từ việc giám sát và kiến nghị cụ thể của MTTQ và các thành viên, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tiếp thu nghiêm túc, đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục kịp thời, góp phần tạo bước chuyển biến mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy các cấp; nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Văn Bình, để MTTQ các cấp làm tốt hơn chức năng giám sát, phản biện, ngoài sự nỗ lực, vươn lên, đổi mới, sáng tạo của MTTQ thì cấp ủy, chính quyền cũng cần tạo cơ chế và có chính sách cụ thể cho MTTQ, bởi suy cho cùng thông qua giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức đoàn thể sẽ giúp các hoạt động lãnh đạo, quản lý và những người lãnh đạo, quản lý ngày càng tốt hơn, tránh được những sai lầm, khuyết điểm.