Phát huy tiềm năng kinh tế trang trại trong phát triển kinh tế hàng hóa

Phát huy tiềm năng kinh tế trang trại trong phát triển kinh tế hàng hóa
Phát huy lợi thế là huyện miền núi, những năm qua, Lập Thạch đã có nhiều chủ trương và giải pháp tích cực, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng về lao động, đất đai;

Phát huy lợi thế là huyện miền núi, những năm qua, Lập Thạch đã có nhiều chủ trương và giải pháp tích cực, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng về lao động, đất đai; trong đó tập trung phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi và kinh tế trang trại, kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao.

 

k1

Gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) nuôi 2 tấn cá thương phẩm mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh Khánh Linh

 

 

 

 

Mặc dù chưa phải là địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế trang trại so với một số huyện có địa hình tương đồng trên địa bàn tỉnh song người dân Lập Thạch luôn ý thức được lợi thế và lợi ích mà loại hình kinh tế này mang lại. Do vậy, để phát huy tối đa tiềm năng hiện có, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo nhân dân tập trung đẩy mạnh mô hình kinh tế trang trại ở từng hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phong trào cải tạo đồi, rừng thành trang trại và vườn cây ăn quả được người dân Lập Thạch hưởng ứng mạnh mẽ. Trong đó, phổ biến trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: thanh long ruột đỏ, cam, canh tứ quý… Toàn huyện hiện có 89 trang trại sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả với gần 300 ha đất sử dụng; trong đó có 87 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản và 1 trang trại lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Lập Thạch đã triển khai và thực hiện có hiệu quả dự án trồng thí điểm cây thanh long ruột đỏ tại 3 xã: vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa, đến nay đã trồng được 120 ha, cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm và mô hình thực nghiệm trồng mía nguyên liệu trên đất gò đồi, bạc màu ở xã Quang Sơn với tổng diện tích 40 ha, cho thu nhập từ 60 đến 75 triệu đồng/ha/năm.

Kinh tế đồi rừng trên địa bàn huyện tiếp tục được khai thác và cho hiệu quả kinh tế cao. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được duy trì, thực hiện tốt. 5 năm qua, toàn huyện đã trồng mới hơn 1.300 ha/1.000 ha rừng sản xuất, đạt 135% kế hoạch; trên 680 ngàn cây phân tán, đạt 100%, nâng độ che phủ rừng từ 24% năm 2010 lên 25% năm 2015. Giá trị sản xuất từ rừng năm 2015 đạt hơn 40 tỷ đồng, tăng gần 6 tỷ đồng so với 5 năm trước với tốc độ tăng bình quân 15%/năm.

Huyện đã hình thành khu chăn nuôi lợn siêu nạc có quy mô lớn theo phương thức công nghiệp và một số mô hình vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: lợn rừng, rắn, gà Đông Tảo, chim trĩ…, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp chiếm 67% với tốc độ tăng bình quân 14,3%/năm. Hàng năm, giá trị sản lượng hàng hoá do các trang trại tạo ra đạt trên 23 tỷ đồng, thu nhập của người dân từ kinh tế trang trại đạt hơn 25 tỷ đồng.

Thực hiện việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản là một trong những chủ trương đúng đắn của huyện, tạo điều kiện để phát triển nhanh các loại hình trang trại. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là hơn 790 ha; trong đó 240 ha diện tích 1 lúa, 1 cá với tổng sản lượng bình quân hàng năm đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 192 tấn, tương đương giá trị sản xuất 40 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2010. Cùng với hơn 40 ha đất nông nghiệp, 140 ha đất lâm nghiệp và 110 ha diện tích mặt nư­ớc nuôi trồng thuỷ sản, người dân Lập Thạch đã và đang góp phần khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, phát triển, các trang trại gặp không ít khó khăn: tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; giao thông, đ­ường điện, vốn đầu tư còn hạn chế; giá cả các nguyên, nhiên vật liệu tăng... làm chậm quá trình phát triển trang trại, giảm thu nhập cho các hộ. Hơn nữa, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đang là vấn đề đáng báo động cho môi trư­ờng nông thôn. Để kinh tế trang trại ở Lập Thạch phát triển nhanh, bền vững, an toàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo nhân dân trong huyện tiếp tục cải tạo, khai thác tiềm năng đất đồi rừng; quy hoạch và phát triển các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, trong đó nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ và các cây trồng có giá trị kinh tế cao, kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục xác định chăn nuôi là ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, huyện chủ trương chuyển từ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, sang chăn nuôi trang trại, tập trung theo vừng và xã trọng điểm; khuyến khích chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, an toàn dịch bệnh. Trong đó ưu tiên phát triển những sản phẩm hàng hóa chủ lực như: lợn, bò, tiếp tục nâng tỷ trọng chăn nuôi trỏng sản xuất nông nghiệp. Chủ trương thu hút một số doanh nghiệp đầu tư dự án chăn nuôi quy mô lớn, sản xuất giống và xây dựng nhà máy gia công chế biến các sản phẩm từ gia súc gia cầm. Song song với đó là chỉ đạo hiệu quả dự án phát triển bò sữa, xây dựng dự án bò thịt chất lượng cao; tiếp tục phát huy, tận dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, thâm canh tăng năng suất, khuyến khích nuôi công nghiệp cả trên diện rộng và quy mô nhỏ.

Với hướng đi hiệu quả, cùng với các giải pháp đồng bộ, kinh tế trang trại của Lập Thạch đã và đang phát huy được hiệu quả từ tiềm năng sẵn có. Mặc dù còn khá nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, song với sự quyết tâm, nỗ lực, thời gian tới, cùng với sự phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực, Lập Thạch sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tiềm năng kinh tế trang trại, tích cực góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và cải thiện đời sống của người dân.

Theo baovinhphuc.com.vn