Phát triển bền vững mô hình nông - lâm kết hợp

Phát triển bền vững mô hình nông - lâm kết hợp
Ở một số địa phương khu vực miền núi, tình trạng thiếu đất sản xuất cùng với hình thức canh tác độc canh cây ngắn ngày trên đất dốc, nhất là cây ngô, sắn khi không áp dụng các biện pháp bảo vệ làm cho đất bị rửa trôi, giảm độ phì nhiêu dẫn đến bị thoái hóa, bạc màu khiến năng suất cây trồng giảm, chi phí đầu tư tăng lên, vì vậy phát triển mô hình nông - lâm kết hợp được xem là hướng đi phù hợp và hiệu quả.
Trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa hiện nay đang phát triển nhiều mô hình nông - lâm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân xóa nghèo bền vững. Điển hình như mô hình trồng cây nông nghiệp kết hợp cây lâm nghiệp; mô hình trồng trọt dành một phần đất cho chăn nuôi; mô hình cây ăn quả kết hợp cây công nghiệp dài ngày; trồng rừng quy mô nhỏ kết hợp sản xuất lương thực, cây ăn quả và cây thực phẩm... Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, huyện Như Xuân triển khai mô hình trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi, trồng trọt đã giúp nhiều hộ dân vượt qua đói nghèo. Gia đình anh Lê Minh Hải, xã Xuân Hòa là một trong những gương điển hình phát triển mô hình nông - lâm kết hợp. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu anh Hải trồng sắn, trồng mía, cỏ voi làm thức ăn trong chăn nuôi. Sau đó, mua thêm 3 ha đất để trồng cây lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, gia đình đã hình thành khu trang trại có diện tích 15 ha, trừ chi phí thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Còn gia đình anh Lê Duy Vĩnh, xã Bãi Trành khi khởi nghiệp chỉ có 1 con lợn sinh sản, gần 300 cây mía, 0,4 ha cây cao su. Đến nay, gia đình đã phát triển trang trại tổng hợp với 10 ha đất trồng cây cao su, keo gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng. Thu nhập bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm... Theo thống kê, huyện Như Xuân có khoảng 162 trang trại, trong đó có 38 trang trại chăn nuôi, còn lại là trang trại cây ăn quả, trang trại nông - lâm kết hợp...

Huyện Như Thanh xác định sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt, lĩnh vực nông - lâm nghiệp của Như Thanh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được triển khai tại các địa phương bước đầu mang lại hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng nấm ở xã Yên Thọ; cam, bưởi ở xã Yên Lạc; ớt xuất khẩu, bí xanh ở xã Yên Thọ, Xuân Du...; nhiều mô hình mới như nuôi gà Đông Tảo, lợn nái ngoại, đào Tết ở xã Xuân Du... đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao và được nhân rộng. Ngoài ra, huyện Như Thanh cũng đã ban hành một số đề án mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế nông - lâm phát triển bền vững, đó là: Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm huyện Như Thanh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025; phát triển rừng gỗ lớn, khoanh nuôi, phục tráng rừng lim tái sinh huyện Như Thanh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030...

Để giúp người dân thoát nghèo, nhiều huyện đã xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả, như phục tráng rừng luồng ở Lang Chánh, Quan Hóa;  nuôi vịt Cổ Lũng ở Bá Thước; trồng thanh long ruột đỏ, trồng nghệ dược liệu ở Thạch Thành, Cẩm Thủy... góp phần tích cực vào công cuộc xóa, đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhâp cho người dân.
 
.Bài và ảnh: Xuân Minh/ Báo Thanh Hóa