Phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn: Tăng kiểm soát nguồn gốc
- Thứ năm - 18/10/2018 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuỗi sản xuất rau sạch từ đồng ruộng đến bao tiêu sản phẩm tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hữu Tiệp |
Tăng lợi nhuận từ chuỗi liên kết
Theo Sở NN&PTNT, toàn thành phố đang có 65 chuỗi liên kết nông sản an toàn. Trong đó, 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 38 chuỗi nguồn gốc thực vật. Thành phố đã thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt tại 21 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Đã có nhiều mô hình chuỗi động vật hoạt động hiệu quả như: Chuỗi thực phẩm A-Z, chuỗi trứng gà Tiên Viên, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai... Đến nay, hơn 20 chuỗi đã hoàn thiện nhãn hiệu và nhận diện thương hiệu; 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ. Nhìn chung, các mô hình tham gia chuỗi đạt hiệu quả cao với giá trị từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai), nhờ chăn nuôi theo chuỗi từ năm 2017, khi giá lợn giảm mạnh, hợp tác xã đã tự điều chỉnh số lượng để chủ động tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, khi giá lợn có dấu hiệu tăng, trang trại tiếp tục duy trì 400 lợn nái và 3.600 lợn thương phẩm. Ngoài ra, trang trại cũng hoàn thiện một cơ sở giết mổ công suất 50 con/ngày, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y theo quy định. 100% sản phẩm được sơ chế, chế biến đóng gói mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z” khi cung ứng cho thị trường. Hằng ngày, chuỗi cung cấp khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Nhờ đó, giá bán lợn cao hơn 10% so với trước khi tham gia chuỗi, với "đầu ra" ổn định, mỗi năm trang trại lãi 4-5 tỷ đồng...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, ngoài phát triển chuỗi liên kết vật nuôi, thành phố đẩy mạnh chuỗi liên kết có nguồn gốc thực vật. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai 20 mô hình chuỗi rau an toàn thực phẩm. Đã có 208 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau cho nông dân (khoảng 42 tấn/ngày). Đặc biệt, hoạt động sản xuất rau an toàn theo chuỗi đã được kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất - tiêu thụ.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho hay, sản xuất hữu cơ đã thay đổi thói quen của người dân trong chăm sóc cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc sinh học. Do thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nên tiêu thụ rau hữu cơ của xã đều thông qua hình thức hợp đồng thu mua trực tiếp với các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đến nay, xã đã thành lập được 26 nhóm hộ sản xuất với diện tích 34ha và 157 thành viên tham gia. Nhờ chất lượng rau được kiểm soát, mỗi tháng, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân tiêu thụ riêng tại thị trường Hà Nội đạt 60-80 tấn với giá ổn định từ 15.000-20.000 đồng/kg. Nhờ vậy, thu nhập của thành viên trong nhóm sản xuất đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng (sau khi trừ chi phí)...
Vẫn cần sự hỗ trợ
Chuỗi thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) mang lại hiệu quả cao. |
Hiện nay, việc phát triển các chuỗi nông sản an toàn thực sự mang lại lợi ích cho người dân với thu nhập tăng cao; người tiêu dùng được sử dụng nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc do chi phí sản xuất nông sản an toàn cao hơn khoảng 10-20% so với sản xuất thông thường (chi phí bao bì, tem nhãn...); số lượng ký kết hợp đồng với doanh nghiệp còn ít và không ổn định.
Về điều này, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng: "Qua thu mua nông sản cho người dân theo chuỗi, cho thấy, mặc dù nhiều sản phẩm đạt chất lượng nhưng nông dân chưa chú trọng quảng bá sản phẩm, chưa xây dựng hình ảnh, mẫu mã nên chưa tạo sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Một yếu tố nữa, đó là do thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người dân chưa quan tâm đến giấy tờ chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ nên gặp trở ngại khi đưa sản phẩm vào hệ thống kênh bán hàng hiện đại...".
Để hiệu quả như kỳ vọng, các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết mong muốn các sở, ngành, thành phố hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ thực phẩm an toàn; đồng thời, ban hành quy định tạm thời về thông tin (tem, mã, truy xuất nguồn gốc...) đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ để chứng minh chất lượng. Bên cạnh đó, thành phố nên có chính sách đặc thù, hỗ trợ xây dựng chuỗi và các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu: Sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho người dân thành lập các hợp tác xã để chủ động nguồn nguyên liệu “đầu vào” và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho thành viên để ổn định “đầu ra”. Thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần phát triển các chuỗi liên kết có chứng nhận VietGAP, HACCP, GMP... đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã Qrcode truy xuất nguồn gốc. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố ứng dụng mã Qrcode truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin thực phẩm, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.
(HNM) - Phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn đang là hướng lựa chọn không thể khác của ngành Nông nghiệp. Có nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài, đó là thu nhập của nông dân tăng cao, người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc; đặc biệt là nông sản tạo dựng được vị thế, nâng cao sức cạnh tranh...