Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, “nghẽn” ở đâu?
- Thứ tư - 30/03/2016 03:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ba điểm “nghẽn” lớn
Ngoài những “khó khăn không của riêng ai” như thủ tục hành chính, năng lực quản lý của chủ DN, hệ thống chính sách hỗ trợ chưa phù hợp…, có thể chỉ ra ba điểm “nghẽn” lớn đang cản trở hoạt động và tăng trưởng của DN ngành nông nghiệp. Đó là cơ sở hạ tầng (đất đai, nhà xưởng, nguyên liệu), cơ chế tài chính tín dụng và “đầu vào - đầu ra” sản phẩm.
Trước tiên, khó khăn mà DN nông nghiệp thường gặp nhất là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, khu chế biến, giá đất lại thường cao. Có tới 50% số DN được điều tra kêu ca việc thiếu đất và mặt bằng chính là cản trở lớn nhất để đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong khi chính sách hỗ trợ DN về đất đai còn được đánh giá là chưa hợp lý và khó tiếp cận. Theo điều tra mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), có tới 67,7% DN phản ánh về vấn đề này. Đến nay, vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho chứa…DN muốn thuê đất phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ. Thủ tục phức tạp và chi phí phải trả để có mặt bằng kinh doanh ở nông thôn rất nhiều công đoạn như: DN phải trả tiền mua hoặc thuê của dân, sau đó nộp lại cho cơ quan địa phương để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rồi địa phương mới cấp xác nhận cho DN thuê lại (trả tiền thuê đất lần thứ hai cho cùng một diện tích). Các quy định và hướng dẫn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đủ rõ ràng để người dân an tâm góp vốn với DN. DN hay người dân đầu tư tài sản lớn trên đất không được bảo đảm một cách chắc chắn và có nguy cơ thiệt hại lớn khi Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng mẫu lớn đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô mô hình điểm do chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho DN cũng như người dân thực hiện.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, tín dụng chưa phù hợp cũng gây rất nhiều khó khăn cho cộng đồng DN nông nghiệp. Ngoài các chương trình tín dụng lớn cho nông nghiệp như cho vay lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, tái canh cà-phê, hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp,… gần đây nhất đã có chương trình tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ và Quyết định 1050/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN nông nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể: có tới 65,5% số DN đánh giá đây là yếu tố cản trở hoạt động của họ, trong đó có 20,9% đánh giá là cản trở, 29,6% đánh giá là cản trở nghiêm trọng và 14,9% đánh giá là cản trở rất nghiêm trọng. Thêm nữa, do thủ tục phức tạp nên kể cả khi có gói tín dụng hỗ trợ của Nhà nước thì cũng rất khó để nông dân và DN nhỏ tiếp cận dù họ có nhu cầu thật sự.
Cuối cùng là vấn đề lớn nhất và thời sự nhất: sự bất ổn giá “đầu vào, đầu ra” của các DN. Cũng theo báo cáo của Viện Ipsard, có tới 56,9% số DN nông nghiệp đánh giá sự khó khăn về tiếp cận “đầu vào” là yếu tố cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Một trong những nguyên nhân chính là giá vật tư đầu vào tăng mạnh gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, 72% số DN cho biết, gặp khó khăn trong bán sản phẩm (trong đó 25,1% đánh giá là khó khăn nghiêm trọng, 26,1% đánh giá là khó khăn rất nghiêm trọng)
Khơi thông “dòng chảy”
Trong bối cảnh như vậy, thiết nghĩ Nhà nước và các cấp, ngành cần khẩn trương có những biện pháp kịp thời giúp DN nông nghiệp gỡ khó để phát triển.
Trước hết, về chính sách đất đai, cần có chính sách ưu đãi cho DN đối với diện tích đất xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nông nghiệp như đất cho phơi sấy, đất xây dựng kho chứa. Cần đưa DN sản xuất mặt hàng phục vụ nông nghiệp vào đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất như đối với các DN nông nghiệp. Tăng cường khả năng tập trung ruộng đất cho người dân và các tổ chức kinh tế thông qua cơ chế tín dụng ưu đãi cho việc thuê và mua đất và cho phép sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đền bù đất, việc đền bù không chỉ là một lần mà người dân bị thu hồi đất nên được hưởng một tỷ lệ đáng kể theo giá trị thị trường đất của họ. Đề xuất cơ chế xác định vốn DN ứng trước để đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án (được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) và khoản đầu tư ứng trước này được trừ dần vào tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở hạ tầng hoặc được trừ vào thu nhập chịu thuế của DN.
Về chính sách tín dụng, cần đánh giá đầy đủ về chương trình thí điểm (QĐ 1050/QĐ-NHNN) cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất và ứng dụng công nghệ cao để hoàn thiện chính sách tín dụng và nhân rộng trong các ngành hàng sản xuất nông nghiệp. Cần nghiên cứu làm rõ vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị của DN để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp (như cho vay trước thu hoạch thì không nhất thiết ngân hàng phải đưa vốn trực tiếp cho nông dân mà có thể thông qua DN ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào và sẽ khấu trừ khi mua sản phẩm). Phân định rạch ròi trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của người vay khi rủi ro bất khả kháng xảy ra và có cơ chế xử lý nhanh để bù đắp tái tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất.
Cuối cùng là vấn đề phát triển thị trường, cần xây dựng bài bản hệ thống thông tin, dự báo phân tích, giám sát thị trường nông sản và công bố thông tin rộng rãi đối với các mặt hàng nông sản và vật tư nông nghiệp chính. Đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng liên kết, nhất là liên kết giữa DN và hộ nông dân, giữa DN với DN, giữa DN với hệ thống siêu thị trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều tham tán thương mại tham dự hội nghị hỗ trợ xuất khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tháng 2-2016 cho rằng: Phải coi trọng công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết với các hoạt động xuất khẩu. Tổ chức nhóm đối tác công –tư được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ cơ bản, nhằm vào các hoạt động có nhu cầu thiết thực mà từng DN đơn lẻ không thể, hoặc rất khó thực hiện. Nhất là, phải thành lập Quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ DN ứng phó với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp.
Có tới 40% số DN nông nghiệp nông thôn trả lời là đối với họ, việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử với DN là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất, kinh doanh; 76% cho rằng thủ tục phức tạp là trở ngại cho phát triển của DN trong 5 năm tới, trong đó có 33% cho là đặc biệt trở ngại. Vì thế, việc đơn giản hóa thủ tục trong triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN nông nghiệp nông thôn trở nên vô cùng cấp bách.
(Nguồn: Viện Ipsard tháng 2-2016)