Song, thực tế hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện chỉ có 3-5 homestay cùng một số điểm cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc. Số lượng nhà hàng phục vụ ăn uống, bán nông sản cho du khách cũng còn hạn chế, như: Khách sạn và nhà hàng Bình Sơn I và II, III; nhà nghỉ Việt Tiến; nhà hàng Phố Núi...
Thời gian qua, cử tri, nhân dân huyện kiến nghị với tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, bền vững, quy mô hơn. Trao đổi với chúng tôi, chị Lý Thị Hạnh, chủ nhân Homestay A Dào, chia sẻ: "Homestay chúng tôi được xây dựng chủ yếu bằng nguồn vốn của gia đình. Do kinh tế còn hạn hẹp, nên cái gì tự chuẩn bị được là chúng tôi đều tận dụng tối đa, các hạng mục trong homestay cũng vì thế mà chưa được đầu tư bài bản. Tôi cũng chưa có kiến thức đầy đủ về làm du lịch là như thế nào, homestay ra sao, và làm thế nào để khách du lịch yên tâm, vui vẻ khi đến với mình, nên vừa làm vừa phải mò mẫm tìm hiểu. Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ, định hướng của tỉnh trong phát triển du lịch cộng đồng, nhất là những chính sách hỗ trợ về công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng nhà ở cho du khách, nhà tiêu hợp vệ sinh...".
Homestay Hoàng Sằn cũng đang loay hoay trong công tác quản lý, phát triển du lịch cộng đồng. Anh Hoàng Văn Sằn chia sẻ: "Cơ sở của chúng tôi là một trong những homestay được xây dựng đầu tiên trên địa bàn huyện. Khách du lịch đến với homestay chủ yếu là khách Việt, khách quốc tế rất ít, vì khó khăn trong thủ tục cấp phép khi vào khu vực biên giới. Hy vọng tới đây, tỉnh sẽ có cơ chế mở, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách nước ngoài đến du lịch huyện biên giới Bình Liêu; hỗ trợ phát triển thị trường và quảng bá hình ảnh. Từ đó, giúp người dân chúng tôi phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững".
Khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên Cột mốc 1297 (huyện Bình Liêu).
Trước thực trạng đó, tỉnh đã chỉ đạo huyện Bình Liêu chủ động xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Trong đó, tập trung phân tích, chỉ rõ điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, phương thức tổ chức hoạt động... Trên cơ sở đề án được phê duyệt sẽ xem xét cụ thể việc hỗ trợ riêng theo đặc thù để triển khai thực hiện.
Đồng chí Vi Ngọc Nhất, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Căn cứ chỉ đạo trên, UBND huyện Bình Liêu đã và đang tập trung xây dựng bản văn hóa người Tày tại Bản Cáu (xã Lục Hồn), nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của tộc người Tày Bình Liêu. Đồng thời rà soát tiềm năng của các cộng đồng dân tộc Dao, Sán Chỉ trên địa bàn các xã Đồng Văn, Húc Động..., nhằm nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng.
Song song với đó, huyện khuyến khích cộng đồng dân cư phát triển các sản phẩm du lịch; tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch. Công ty CP Du lịch Sen Á Đông đang nghiên cứu quy hoạch thực hiện Dự án du lịch cộng đồng ở các bản có tiềm năng. Dự án được triển khai với diện tích 1.142,5ha, tổng vốn đầu tư khoảng 202 tỷ đồng. Đây là dự án có sự đầu tư đạt chuẩn, bền vững để dẫn dắt du lịch Bình Liêu phát triển xứng tầm, góp phần tạo việc làm cho người dân, đóng góp nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương, tạo thêm điểm nhấn trên bản đồ du lịch Quảng Ninh - Việt Nam...
Trúc Linh
https://dulich.quangninh.gov.vn