Phát triển hợp tác xã lên một tầm mới

Hợp tác xã được coi là cầu nối quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, là nhân tố kích thích để tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao...
Từ sau khi Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn Hà Nội đã được chuyển đổi hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong các hoạt động sản xuất kinh doanh tập thể. Không chỉ thu hút doanh nghiệp tham gia làm xã viên, nhiều hợp tác xã đã tham gia nhiều khâu để sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh thành công trên thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động mạnh mẽ lên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội thì chính các hợp tác xã cũng không thể đứng ngoài cuộc, thay và đó hợp tác xã cần có bước phát triển đột phá lên một tầm cao mới, cả về chiều rộng (quy mô) và chiều sâu (chất lượng) để đủ sức cạnh tranh, phát triển.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng như áp dụng quy trình theo chuỗi giá trị đòi hỏi sự đầu tư lớn và quy mô. Điều này sẽ là rào cản lớn đối với sản xuất cá thể. Do đó, hợp tác xã sẽ giữ vai trò giúp người dân liên kết chặt chẽ với nhau, hướng đến phát triển bền vững. Phải làm sao để nông dân muốn có thu nhập cao, muốn làm giàu thì phải vào hợp tác xã, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phát triển; chỉ khi tham gia sản xuất tập thể như hợp tác xã, nông dân mới giảm được chi phí, tăng thu nhập để làm giàu được. 

Tức là hợp tác xã phải khẳng định được là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm, là đầu mối kết nối người sản xuất với nhà khoa học, với doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp sẽ thông qua hợp tác xã đưa ra kế hoạch sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Khi tham gia hợp tác xã, người dân vẫn sở hữu ruộng đất và đóng góp vào chuỗi giá trị qua khâu sản xuất.

Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là hợp tác xã chỉ biết dựa vào doanh nghiệp. Mục đích của hợp tác xã là phục vụ thành viên và cộng đồng chứ không phải chủ doanh nghiệp. Do đó, chính hợp tác xã cũng phải đổi mới tư duy quản lý và hoạt động, phát triển bằng thực lực của mình. 

Trong thực tế đã có những hợp tác xã nông nghiệp nhờ góp vốn thành lập và trực tiếp điều hành doanh nghiệp xuất khẩu, mạnh dạn "làm thị trường”, nhờ đó đã tự mở được cánh cửa giúp nông dân trực tiếp sản xuất quy mô lớn hơn, kiểm soát chất lượng nông sản tốt hơn và bớt phụ thuộc vào những hợp đồng thời vụ ở thế bị động với doanh nghiệp. 

Rõ ràng, để nâng tầm giá trị, các hợp tác xã phải củng cố tổ chức, bộ máy, chủ động thay đổi các mô hình sản xuất truyền thống, vượt ra khỏi hạn chế về vị trí địa lý hành chính, nâng cao trình độ nhận thức trong xây dựng hợp tác xã công nghệ cao, giúp người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là khi sản xuất sạch đang là xu hướng chủ đạo.

Hiện nay, Chính phủ đang hướng đến mục tiêu gia tăng chất lượng 4.400 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; trong đó có 1.500 hợp tác xã phải đi vào ứng dụng công nghệ cao; 25% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. 

Đứng trước yêu cầu phát triển này, việc đổi mới là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ. Để đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không có con đường nào khác là các hợp tác xã phải tạo ra bước đột phá để phát triển một cách bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng về các sản phẩm phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
 
 
Tuấn Kiệt/ Hà Nội mới