Phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững
- Thứ tư - 06/09/2017 05:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau dồn điền, đổi thửa, huyện Quốc Oai tập trung quy hoạch, phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững, giúp đa dạng hóa sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Một hộ gia đình ở xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) làm trang trại cho hiệu quả cao. Ảnh: Thái Hiền |
Vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế vườn trại kết hợp chăn nuôi ở huyện Quốc Oai khá phát triển. Thay vì chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, nhiều gia đình đã chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn theo mô hình trang trại. Đơn cử như xã Cấn Hữu, đã phát triển được 219 trang trại chủ yếu theo mô hình tổng hợp hoặc chăn nuôi gà. Hiện toàn xã có tổng đàn gà đẻ khoảng 60 vạn con, sản lượng trứng đạt 32 vạn quả/ngày. Trong đó, 90% hộ gia đình đầu tư chăn nuôi theo hình thức công nghiệp khép kín.
Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Văn Lợi cho biết, để có các mô hình trang trại như hiện nay, xã đã quy hoạch ruộng đất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Ngoài ra, xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trang bị kiến thức chăn nuôi cho nông dân. Hiện nhiều gia đình như ông: Nguyễn Văn Lâm, Cấn Văn Mai, Nguyễn Văn Chiến, Đặng Quốc Sơn… chăn nuôi quy mô lớn, thu nhập mỗi năm đạt từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Tương tự, những năm gần đây, số lượng trang trại ở xã Đông Yên cũng tăng nhanh. Chủ tịch Hội Chăn nuôi xã Đông Yên Đỗ Thanh Đồng cho biết, toàn xã có 46 trang trại chăn nuôi công nghiệp quy mô từ 5.000 đến 10.000 con và hàng chục hộ nuôi gà đồi kết hợp với làm vườn. Riêng gia đình ông Đồng, nhờ chăn nuôi gà kết hợp với trồng bưởi Diễn, đu đủ, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết, sau dồn điền, đổi thửa, UBND huyện đã hướng dẫn các xã lập quy hoạch vùng sản xuất. Đến nay, huyện đã phê duyệt quy hoạch cho 16 xã với tổng diện tích chuyển đổi hơn 2.100ha từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau an toàn, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi… Toàn huyện hiện có 402 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT cho doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm; trên 200 gia trại có doanh thu từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/trang trại/năm...
Cùng với mở rộng các mô hình kinh tế trang trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quốc Oai đã liên kết, thành lập các hội chăn nuôi quy mô xã nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu cho biết: Tham gia vào hội chăn nuôi, các hộ gia đình cùng nhập chung thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh với số lượng lớn, giá thấp hơn so với mua lẻ ngoài thị trường. Hội cũng thống nhất được giá đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, xã Cấn Hữu đã xây dựng được chuỗi sản xuất thịt lợn sinh học Hợp tác xã Đồng Tâm, có thể kiểm soát chất lượng từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những tiêu chí được huyện Quốc Oai chú trọng đó là sản xuất sạch. Toàn huyện đã phát triển được 11 nhóm với 220 hộ gia đình tham gia chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn ở các xã Cấn Hữu, Đồng Quang, Thạch Thán. Để tiếp tục hỗ trợ sản xuất phát triển, huyện đã thành lập Hợp tác xã Nông sản an toàn Quốc Oai, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn của huyện, tháo gỡ đầu ra cho nông sản. Qua đó, góp phần tạo ra sự bền vững trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn.