Phát triển mạnh nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển mạnh nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao
Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đang được thực hiện rộng rãi tại Bình Dương. Để tiếp tục nâng cao giá trị của ngành, dự thảo tờ trình Nghị quyết về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển NNĐT, NNƯDCNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện nội dung để tham mưu trình kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh sắp tới xem xét thông qua.
Hiệu quả

Qua hơn 4 năm thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng NNĐT, NNƯDCNC gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt từ 80 - 100%. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha và hơn 860 ha ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi.
Các mô hình nông nghiệp mới đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá, tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp do đô thị hóa. Vì vậy, các mô hình NNĐT, NNƯDCNC đang được tỉnh Bình Dương khuyến khích với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân.


Phát triển NNĐT, NTƯDCNC không những phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Khải đang chăm sóc vườn rau mầm của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Ông Huỳnh Văn Khải, chủ cơ sở sản xuất rau mầm Khải Yến (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) cho biết, ông có ý tưởng làm rau sạch và đã chọn mô hình trồng rau mầm với mong muốn mang lại môi trường sạch, tạo ra các loại sản phẩm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và mang lại nguồn thu nhập khá. Với diện tích 500m2 trồng rau mầm, thu nhập bình quân của gia đình đạt gần 1 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một là một trong những người đi đầu trong việc tìm tòi xây dựng nên mô hình sản xuất nông nghiệp mới hiệu quả. Với diện tích nhà lưới 200m2 và đầy đủ trang thiết bị cần thiết, cùng sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia, ông Dũng bắt tay vào sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh hồi lưu mới. Đến nay, vườn của ông đã tăng diện tích lên 450m2. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đầu tư vốn xây dựng hệ thống nhà kính, đấu nối hệ thống thiết bị máy móc điều khiển tự động để trồng cà chua và rau ngắn ngày. Ông Dũng chia sẻ, phương án lựa chọn ưu tiên nhất trong thời buổi hiện nay đó là phát triển nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng theo phương pháp trồng trọt tiên tiến. Trong quá trình tiếp cận bằng phương thức trồng trọt mới này đã thực sự đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Còn ông Mai Quốc Thái, chủ trang trại hoa lan ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng thì chia sẻ, được sự giới thiệu và hỗ trợ vay vốn từ chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao giai đoạn 2011- 2015, trang trại của ông đã được vay 4,9 tỷ đồng để thực hiện dự án trồng 2 ha hoa lan dendrobium trong vòng 4 năm. Phần vốn vay được ông dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, hệ thống nước tưới và mua cây giống. Với diện tích 2 ha trồng lan, doanh thu trong 4 năm qua đạt 14,1 tỷ đồng. “Quyết định về chính sách ưu tiên phát triển NNƯDCNC đã cho thấy được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Bình Dương đối với sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà. Qua đó giúp cho nông dân và doanh nghiệp tìm tòi và áp dụng cũng như sáng tạo ra những mô hình sản xuất mới nhằm nâng cao khả năng sinh lợi của đất đai”, ông Thái nói.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT, NNƯDCNC, việc ban hành chính sách để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng đi mới, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh được các trang trại, nông hộ trong tỉnh đồng tình để hiệu quả kinh tế nông nghiệp tiến đến một bước phát triển cao hơn.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân 2,5%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Vì vậy, việc phát triển NNĐT, NNƯDCNC sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành.

Ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. Theo đó, ngành phấn đấu giá trị sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt 80 - 100 triệu đồng; riêng NNƯDCNC bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ ha/năm. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt nhân rộng phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo bước đi bền vững cho ngành nông nghiệp Bình Dương trong giai đoạn mới.

Phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT, NNƯDCNC là một quá trình dài hơi. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh nhà phải thực hiện đồng bộ tất cả giải pháp trên cơ sở, từng giai đoạn sẽ có những giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn.


 Theo dự thảo Quy định về chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT, NNƯDCNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ bằng 40% lãi suất cho vay tối thiểu. Quy mô đầu tư của phương án dưới 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư dự án; quy mô đầu tư của phương án trên 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 80% giá trị đầu tư dự án. Nguồn vốn vay được sử dụng từ ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh theo hình thức ủy thác cho vay. Thời gian vay vốn được tính theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt nhưng không quá 60 tháng/phương án…
 
Theo Baó Bình Dương