Phát triển nông nghiệp bền vững

Trong một hội thảo quốc tế mới đây về "Vai trò của chăn nuôi trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 tại khu vực Ðông - Nam Á", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định: Phát triển nông nghiệp bền vững là mấu chốt đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu; trong đó lĩnh vực chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam. Việt Nam đang đẩy nhanh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành chăn nuôi được định hướng rõ các bước phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong giai đoạn 2011-2016, tăng trưởng bình quân của ngành đạt 4,5 đến 5%/năm, giá trị của ngành chăn nuôi chiếm 30 đến 32% giá trị ngành nông nghiệp… Có thể thấy, đây là những thông tin đáng mừng, tiếp thêm động lực cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông sản Việt nói chung đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt mà ngành nông nghiệp và nông dân không thể tự giải quyết được. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp, thậm chí dưới giá thành. Phần thua thiệt này chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất. Ðiều này đã được minh chứng rõ đối với ngành hàng thịt lợn và người chăn nuôi lợn, khi trong một năm qua, giá thịt lợn hơi luôn bấp bênh, trồi sụt dưới mức giá thành. Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự thua lỗ của người chăn nuôi đã được giảm đáng kể (hơn 3.000 tỷ đồng mỗi tháng). Song, theo tính toán của Hội Chăn nuôi, sự khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm người chăn nuôi mất đi phần lãi khoảng 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số tiền đầu tư, mà lẽ ra họ được hưởng.

Để thoát khỏi thực trạng nêu trên và phát triển chăn nuôi bền vững, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, trong đó cần tập trung vào những khâu mà chúng ta còn yếu và nông dân không thể làm tốt được, như: giống, vật tư đầu vào và chế biến nông sản, kết nối thị trường. Riêng khâu chăn nuôi, sơ chế sản phẩm thì cần tạo điều kiện để nông dân làm theo mô hình hợp tác xã, hoặc gia công, sản xuất nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là thị trường Trung Quốc cần được khai thông và khai thác có hiệu quả. Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường, vấn đề kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh là hết sức quan trọng. Theo thông tin từ Hội Chăn nuôi, khối lượng mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất rất lớn, khoảng hơn năm triệu tấn/năm (tương đương tổng sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi trong nước sản xuất). Ðồng thời, tích cực triển khai các biện pháp cần thiết về xây dựng vùng an toàn dịch, tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết bảo đảm an toàn thực phẩm, để chuyển dần từ tiêu thụ tiểu ngạch sang tiêu thụ chính ngạch thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm vào thị trường Trung Quốc và các thị trường có tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi…

QUANG MINH/ BÁO NHÂN DÂN