Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nông nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển khởi sắc. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nhân giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, cung cấp cho thị trường nhiều loại nông sản bảo đảm chất lượng, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Về xã Đại Thắng (Phú Xuyên) trong những ngày thu hoạch lúa mùa cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi thực sự ấn tượng trước cảnh hàng chục chiếc máy gặt đập liên hợp chạy băng băng trên những cánh đồng rộng lớn. Các tuyến giao thông nội đồng đã được đổ bê tông phẳng lỳ chất đầy những bao tải thóc chờ người nông dân chở về hong khô. Ông Trần Bá Cao, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Thắng hồ hởi cho biết: Đại Thắng đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, đến năm 2015, toàn xã đã 
đầu tư mua được 10 máy cấy, 20.000 khay gieo mạ, 27 máy làm đất. Tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật vào quy trình sản xuất nông nghiệp đạt mức khá cao, làm đất đạt 100%, cấy 30-35%, thu hoạch 55-60%...

 

 

Bưởi Quế Dương, xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và Nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: Thái Hiền


Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm tăng giá trị sản xuất và làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Qua so sánh thực tế, công suất của mỗi máy cấy hiệu quả gấp 25-30 lần lao động thủ công, máy làm đất bằng 50 lần, tiết kiệm kinh phí sản xuất 3 - 3,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng thêm 200-300kg/ha... Đối với nguồn lao động dôi dư, huyện đẩy mạnh đào tạo nghề truyền thống cho nông dân như: Khảm trai ở xã Chuyên Mỹ, mây giang đan ở Phú Túc, da giày Phú Yên, may mặc Vân Từ...

Việc ứng dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn phát triển mạnh ở các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Chương Mỹ... Sau dồn điền đổi thửa, người nông dân đã tiếp thu những tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo bước phát triển lớn trong sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có giá trị kinh tế cao như mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh... cho giá trị 0,5 đến 1,5 tỷ đồng, thậm chí đạt 2-2,5 tỷ đồng/ha/năm...

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ khẳng định: Với việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển mới. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Hà Nội đạt 44.000 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 231 triệu đồng/ha, tăng 1,24 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2015 ước đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%...

Phát triển bền vững các loại nông sản

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội là tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung có giá trị hàng hóa cao ở huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên... nhưng phần lớn vẫn mang tính tự phát, nông sản không có thương hiệu trên thị trường, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Từ thực tế đó, tháng 7-2015, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 03 về một số chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư hơn 11.284 tỷ đồng nhằm mở rộng 1.000ha rau, 500ha hoa, 1.370ha cây ăn quả, 1.000ha chè, 3 vùng chăn nuôi gia cầm, 2 vùng chăn nuôi lợn, 3 vùng chăn nuôi bò thịt, 4 vùng chăn nuôi bò sữa … Để đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT và CNC vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các loại nông sản chủ lực có quy mô tập trung theo hướng hiện đại, an toàn gắn với xây dựng thương hiệu cho nông sản. Cụ thể, tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn những nông sản đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Quốc Oai, sữa Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, nếp cái hoa vàng, gạo thơm Bối Khê, chè Ba Vì... vào cơ cấu giống của Hà Nội. Chú trọng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có ứng dụng đồng bộ CNC từ sản xuất tới thu hoạch, bảo quản…

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi nguồn vốn lớn nên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân khó có thể đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất quy mô lớn. Để phát triển nông nghiệp CNC, TP Hà Nội cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tiêu tự động; nghiên cứu, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh có năng suất, chất lượng cao...
Theo Hà Nội mới