Phát triển nông nghiệp – động lực từ cơ chế, chính sách
- Thứ ba - 18/10/2016 05:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cánh đồng xã Cẩm Phong được thu hoạch bằng máy.
Nhờ vào các chính sách hỗ trợ nói trên, tỉnh ta đã hình thành được vùng sản xuất hạt lúa lai F1 tập trung tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Thiệu Hóa; hình thành được vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, với tổng diện tích lên tới 126.448 ha/năm, năng suất đạt 65,7 tạ/ha/năm; phát triển được 379 ha vùng rau an toàn trên địa bàn toàn tỉnh…
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông; chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020… Các chính sách này tuy mới đưa vào thực hiện, nhưng đã chứng minh được hiệu quả thiết thực.
Nhớ lại những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có vài mô hình điểm về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trong vụ đông. Tuy nhiên, từ năm 2015, nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông của tỉnh, 9,1 tỷ đồng được tỉnh cấp để hỗ trợ các hộ, nhóm hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm vụ đông 2015-2016. Nên vụ đông vừa qua, toàn tỉnh đã nhân rộng được mô hình liên kết sản xuất khoai tây tại 6 huyện, với tổng diện tích gần 300 ha; mở rộng mô hình sản xuất cây ngô dày làm thức ăn chăn nuôi tại 5 huyện, với tổng diện tích đạt 255 ha; diện tích các loại cây hàng hóa, có thị trường tiêu thụ tăng lên 2.420 ha… Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất vụ đông 2015-2016 thu được là 2.195,5 tỷ đồng, giá trị bình quân đạt 44,7 triệu đồng/ha, tăng 0,7 triệu đồng/ha so với vụ đông 2014-2015.
Cuối năm 2015, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Tuy mới bắt đầu triển khai thực hiện được hơn 1 năm, nhưng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kèm theo đó là những cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời, đồng bộ đã tạo động lực cho nhiều địa phương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung. Tại huyện Cẩm Thủy, nhờ chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi, nên từ năm 2015 đến nay, huyện không những đã hoàn thành việc quy hoạch, xác định vùng thâm canh lúa, mà một số HTX đã mạnh dạn đầu tư mua máy cấy, máy thu hoạch để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây thực sự là bước phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện miền núi như Cẩm Thủy.
Chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn cũng đang phát huy hiệu quả. Khi chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ, ngoài những trang trại CP, toàn tỉnh chưa có khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn nào. Tuy nhiên, nhờ có chính sách hỗ trợ, nên từ đầu năm 2016, đến nay, toàn tỉnh đã và đang thực hiện xây dựng được 4 khu trang trại chăn nuôi tập trung có quy mô 300 con bò trở lên, 200 nái ngoại sinh sản trở lên và 500 con lợn ngoại nuôi thịt trở lên… Trong đó, huyện Vĩnh Lộc 2 trang trại, huyện Yên Định 2 trang trại.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2016 đến nay, nhờ thực hiện chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng vùng thâm canh lúa đến các xã, thị trấn; 1.361 ha cây rau màu các loại liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nâng diện tích các loại cây trồng được liên kết sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh lên 11.850 ha…
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh một cách đồng bộ, thực sự trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp theo mục tiêu đã đề ra.
Theo báo Thanh Hóa