Phát triển nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao
Những năm gần đây, huyện Mê Linh rất chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất. Theo đó, huyện chủ trương xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, thay đổi diện mạo nông thôn.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa

 Mê Linh cũng chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trên địa bàn huyện có 2 HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản là HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao và HTX Thái Hà với quy mô diện tích liên kết là 8ha, sản lượng liên kết đạt 1.500 tấn/năm gồm các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả; 4 đơn vị bao tiêu sản phẩm là HTX Việt Doanh, HTX ứng dụng công nghệ sinh học Tiền Phong, HTX Đông Cao, Công ty Xuất nhập khẩu Lam Thiệu với quy mô diện tích liên kết là 275ha, sản lượng hàng năm đạt 1.746 tấn rau, củ quả, 2.000.000 cành hoa hồng, hoa cúc.

Mê Linh vốn được coi là “vựa” hoa của Hà Nội. Ngoài phục vụ thị trường Thủ đô, hoa Mê Linh còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay, huyện Mê Linh có 430ha đất canh tác hoa; trong đó, diện tích canh tác chủ yếu là hoa hồng (chiếm 93,4%). Hoa hồng được trồng với diện tích khoảng 350ha chủ yếu ở các xã Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm... Còn lại, hoa cúc được trồng với diện tích 40ha chủ yếu ở xã Đại Thịnh; các loại hoa khác như: lay ơn, loa kèn, ly... chiếm diện tích nhỏ hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, sản xuất hoa gần như là nguồn thu nhập chính của một số xã trên địa bàn. Do đó, việc cải tiến kỹ thuật canh tác và nâng cao chất lượng hoa là yêu cầu tất yếu đối với nghề trồng hoa. Những năm gần đây, huyện đã quy hoạch sản xuất hoa theo vùng, do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất ngày càng được chú trọng. Người trồng hoa đã cơ giới hóa các khâu làm đất, bón phân; nhiều hộ áp dụng mô hình sản xuất hoa ly và các loại hoa chậu trong nhà lưới, nhà kính; các hộ trồng cúc áp dụng biện pháp điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, tăng thời gian chiếu sáng bằng cách thắp đèn ban đêm để sản xuất hoa quanh năm, che phủ nilon để hạn chế tác hại của môi trường như mưa, nắng, sâu bệnh hại, rửa trôi phân bón. Nhờ vậy, chất lượng các loại hoa ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là trồng hoa phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, huyện Mê Linh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai nhiều mô hình trồng hoa cây cảnh chất lượng cao. Trong số các cây trồng, hoa hồng đang trở thành loại hoa thương hiệu của Mê Linh. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình hoa hồng chất lượng cao quy mô 40,3ha tại vùng bãi Văn Quán, xã Văn Khê và mô hình trồng hoa ly chất lượng cao trong nhà lưới với quy mô 0,3ha trên địa bàn huyện Mê Linh. Việc đưa các mô hình vào sản xuất góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, những cây trồng có giá trị thấp, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao (450 - 500 triệu đồng/ha/năm), góp phần tạo ra sản phẩm hoa chất lượng cao phục vụ thị trường. Đến nay, diện tích trồng hoa hồng chất lượng cao được mở rộng trên 120ha tại vùng bãi xã Văn Khê, Tráng Việt.

Huyện Mê Linh phấn đấu mở rộng toàn bộ diện tích đã được TP quy hoạch vùng sản xuất hoa chất lượng cao với diện tích 170ha tại các xã: Tự Lập, Liên Mạc, Vạn Yên, Tiến Thịnh.

Xây dựng các vùng sản xuất tập trung

Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Mê Linh đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, các hộ được dồn ghép từ 5 - 7 thửa thành 1 - 2 thửa, tạo điều kiện phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Theo đó, những năm gần đây, trên địa bàn huyện hình thành được nhiều vùng sản xuất quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50ha trở lên tại xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa, Tự Lập; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tráng Việt (200ha), Tiến Thắng (70ha), Tiền Phong (90ha), Văn Khê (90ha), Kim Hoa (30ha). Phát triển cây ăn quả theo hướng trồng tập trung có giá trị kinh tế cao, quy mô từ 20ha trở lên và xây dựng vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, huyện đã và đang tích cực chỉ đạo các xã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, ứng dụng KH-CN trong sản xuất. Đến nay, có 195 hộ được UBND huyện chấp thuận phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phê duyệt phương án chuyển đổi cho 30 hộ tại các xã: Vạn Yên, Tam Đồng, Kim Hoa, Tiến Thắng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực như: Khai thác tối đa nguồn lực từ đất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, thay đổi diện mạo nông thôn. Ước tính, nuôi trồng thủy sản đạt khoảng trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt khoảng trên 350 - 400 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

 Cũng trên cơ sở đề án cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2016, huyện Mê Linh khuyến khích nông dân đầu tư máy móc nhằm cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các HTX làm đất, HTX máy cấy, máy gặt đập góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất giúp giảm sức lao động cho nông dân, thúc đẩy hoạt động dịch vụ nông nghiệp phát triển, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu tất yếu trong sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Mê Linh.

TƯỜNG VY/daibieunhandan.vn