Phát triển nông nghiệp phải liên kết, không thể tự phát, manh mún

Phát triển nông nghiệp phải liên kết, không thể tự phát, manh mún
Sáng 20/8, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cùng đoàn công tác vào Tây Nguyên thực hiện chuyến khảo sát vai trò Hội Nông dân tham gia xây dựng nông thôn và kinh tế tập thể tại xã Tân Bình (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho rằng: "Để phát huy hiệu quả xây dựng nông thôn mới và kinh tế tập thể thì Hội nông dân có vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, trong chuyến khảo sát này đoàn công tác muốn nghe cái được, cái chưa được, cái khó khăn, vướng mắc và ý kiến của cán bộ Hội về 2 nội dung này, nhất là cấp cơ sở...".

Giúp nông dân xây dựng mô hình sản xuất hay

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, trong xây dựng NTM và kinh tế tập thể phải làm rõ Hội đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình chưa; nông dân đã liên kết với doanh nghiệp chưa; đã vào hợp tác xã chưa, nếu vào rồi thì phát huy hiệu quả hay không vì sao như vậy? Từ tiếng nói các cấp Hội bên dưới, Trung ương mới có sự điều chỉnh, giải pháp phù hợp để phát huy hiệu quả, khắc phục tồn tại.

 phat trien nong nghiep phai lien ket, khong the tu phat, manh mun hinh anh 1

Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm khảo sát xây dựng NTM và kinh tế tập thể tại xã Tân Bình

Báo cáo với đoàn, bà Nguyễn Thị Bảo Yến – Chủ tịch Hội ND xã Tân Bình cho biết, từ năm 2014 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và luôn duy trì tốt 19/19 tiêu chí, đồng thời từng bước thực hiện một số tiêu chí nâng cao. Từ định hướng của Hội, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương xuất hiện rất nhiều mô hình mới, cách làm hay như: Trồng khoai lang Lệ Cần, sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VnSAT, liên kết với doanh nghiệp đảm bảo tốt đầu vào và ra cho cây cà phê, chăn nuôi vịt trời… mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hơn 22 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ và 2.000 ngày công lao động. Đối với kinh tế tập thể, nông dân đã tham gia thành lập 1 tổ hợp tác xã với 190 hội viên và 1 hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ. Đồng thời, thực hiện kết nối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn liên kết với nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững và đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo Yến, bên cạnh việc định hướng giúp hội viên Hội Nông dân tiếp cận mô hình hay, các nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất… Hội còn mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân; Hỗ trợ cây giống và mua phân bón trả chậm cho dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, do giá cả nông sản thiếu ổn định khiến thu nhập và đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Riêng kinh tế tập thể vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, thiếu vốn, chưa có chiều sâu.

Nói về khó khăn trong kinh tế tập thể, ông Nguyễn Trình, giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ xã Tân Bình ý kiến: “Tháng 6/2019 HTX được thành lập với 8 thành viên, cây trồng chủ lực là khoai lang Lệ Cần với 47ha, kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Mặc dù HTX mới thành lập nhưng có rất nhiều tín hiệu khả quan, đã có nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề ký kết thu mua sản phẩm lâu dài.

Thế nhưng HTX vẫn dè dặt chưa dám ký vì chưa đảm bảo cung cấp sản phẩm với số lượng lớn, quanh năm. Lý do là diện tích đất canh tác vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún chưa tập trung. Chúng tôi mong muốn được chính quyền và các cấp tạo điều kiện cho thuê đất, dồn điền đổi thửa để hình thành vùng chuyên canh lớn để đảm bảo có sản xuất quanh năm và đầu tư chế biến sâu. Mặt khác, giúp cho sản phẩm OCOP - khoai lang Lệ Cần được đầu tư theo chiều sâu, tinh chế để nâng cao giá trị so với bán thô”.

Làm quen thì thạo việc

Ông Trương Minh Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình chia sẻ: “Bước đầu xây dựng NTM xã còn rất bỡ ngỡ, giờ mọi thứ đã thuận lợi rất nhiều nhờ sự đồng thuận của dân, chính quyền và các cấp, trong đó vai trò của Hội ND hết sức quan trọng....".

Sau những biến động về giá cả một số mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê…theo ông Thắng, bà con nông dân rất nhạy bén, có bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý nên thu nhập chung của người dân luôn ổn định, bình quân hàng năm hơn 40 triệu đồng. Bây giờ người dân đã xác định được hướng đi, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững. Đồng thời từng bước gắn liên kết với doanh nghiệp và tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra.

 phat trien nong nghiep phai lien ket, khong the tu phat, manh mun hinh anh 2

Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm tham quan mô hình trồng khoai lang Lệ Cần tại xã Tân Bình

 Kết thúc làm việc, bà Bùi Thị Thơm , Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN ghi nhận những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới của xã Tân Bình, những nỗ lực của cấp hội cơ sở. Đồng thời nhắc nhở Hội ND xã tăng cường xây dựng tổ chức Hội vững mạnh (từ năm 2011-2018 chỉ kết nạp được 120 hội viên là quá ít) và thành lập các tổ hội, chi hội nghề nghiệp. Đây là nền tảng tiến tới thành lập các tổ hợp tác, HTX để phát triển nền kinh tế tập thể. Để vận động người dân vào các HTX, cần phải làm rõ mục tiêu nông dân vào sẽ được gì, lợi ích ra sao chứ không nên chạy theo phong trào cho có. Hội phải tư vấn, làm cho người nông dân hiểu.

“Khâu tuyên truyền xây dựng NTM và kinh tế tập thể rất quan trọng, các cấp Hội phải tiếp tục phát huy hơn nữa, thể hiện vai trò nòng cốt của mình. Xây dựng NTM có khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, địa phương đạt chuẩn thì tiếp tục nâng cao, làm kiểu mẫu. Mặt khác, phát triển nông nghiệp cần phải có sự liên kết, không thể đơn lẻ tự phát. Có như vậy sản phẩm nông nghiệp mới có đầu ra, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Thêm vào đó, Hội phải từng bước thay đổi nhận thức nông dân, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa vào sản xuất, chế biến sâu”, bà Bùi Thị Thơm nói.

Theo Lê Kiến/ Dân Việt

http://danviet.vn/nha-nong/phat-trien-nong-nghiep-phai-lien-ket-khong-the-tu-phat-manh-mun-1007084.html