Phát triển sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng và thích ứng với thị trường tiêu thụ

Phát triển sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng và thích ứng với thị trường tiêu thụ
Điều chỉnh định hướng phát triển sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực quốc gia gồm: lợn, gia cầm, bò sữa, bò thịt.
 Xác định lợi thế, tiềm năng sản phẩm chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng
thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển (Ảnh: BT)
 

Đó là một trong những giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển trong thời gian tới, đặc biệt khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, sản xuất chăn nuôi trong nước đã tạo ra khối lượng lớn sản phẩm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Bước đầu đã hình thành nền tảng cho phát triển công nghiệp ngành chăn nuôi như: chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa, công nghiệp chuồng trại và chọn tạo giống.

Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức cao, trung bình từ 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Tính từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu lên 5,3 triệu), trứng tăng 3,9 lần (từ 3 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 nghìn tấn lên 960 nghìn tấn); thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21 triệu tấn), trở thành nước đứng vị trí số 1 trong các nước ASEAN về công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

Cùng với đó, chăn nuôi hiện nay đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi. Trong đó, riêng chăn nuôi lợn theo mô hình chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Quý I/2018, số lượng chuỗi liên kết là 1.105 chuỗi (tăng 13,6% so với năm 2017) với tổng đầu con là 1.237.272 con, chiếm tỷ lệ 4,3%.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng trên thực tế, trong bối cảnh hội nhập, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Việt Nam đã gia nhập các hiệp định tự do thương mại khu vực và thế giới như WTO, AFTA,…,vì vậy sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Cùng với đó, chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ lớn, năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao. Kiểm soát dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giết mổ, chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập. Tổ chức quản lý ngành và nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn và đòi hỏi phát triển.

Theo Bộ NN&PTNT, định hướng đến năm 2030, với lĩnh vực chăn nuôi lợn, song song với phát triển đàn lợn ngoại theo hướng trang trại công nghiệp, cần mở rộng nhanh quy mô đàn lợn nuôi theo hướng kết hợp giữa chăn nuôi hữu cơ với chăn nuôi truyền thống, sử dụng các giống lợn bản địa và giống lợn lai có chất lượng cao. Tổng đàn lợn ổn định ở quy mô số lượng thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái biến động trong khoảng 2,5 triệu con, đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%.

Bên cạnh đó, với chăn nuôi gia cầm, đàn gà tăng bình quân trên 3%/năm, số lượng duy trì thường xuyên khoảng 400 triệu con, trong đó đàn gà nuôi công nghiệp chiếm khoảng 50%, đàn thủy cầm ổn định khoảng 100 triệu con có mặt thường xuyên, riêng đàn thủy cầm nuôi công nghiệp chiếm khoảng 50%.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc với đàn bò sữa đạt quy mô khoảng 800.000 con, trong đó, khoảng 50% nuôi tập trung và 50% nuôi trong các nông hộ. Đàn bò thịt ổn định ở quy mô khoảng 6 triệu con; đàn trâu ổn định ở quy mô khoảng 3 triệu con. Riêng với thức ăn chăn nuôi, ổn định ở quy mô công suất thiết kế các nhà máy khoảng 40 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 32 triệu tấn.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa ngành chăn nuôi phát triển, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, theo Bộ NN&PTNT, cần điều chỉnh định hướng phát triển sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực quốc gia gồm: lợn, gia cầm, bò sữa, bò thịt.

Đáng chú ý, cần đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ chăn nuôi theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu chuyển giao, thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học công nghệ.

Về giống vật nuôi, ngoài việc nhập bổ sung các nguồn giống cao sản, giống chất lượng của nước ngoài, cần tập trung phục tráng các giống bản địa có nguồn gen tốt cung cấp vật liệu di truyền để tạo các tổ hợp lai có năng suất và chất lượng cao phù hợp với nhu cầu sản xuất của từng phân khúc thị trường.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi giao đất, thuê đất với các chính sách ưu đãi nhất theo theo quy định của pháp luật về đất đai cho các chủ cơ sở giết mổ tập trung, bảo quản, chế biến công nghiệp sản phẩm chăn nuôi, các cơ sở chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Mặt khác, nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đặc biệt, tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Phát triển nhanh các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, có khả năng đầu tư theo các chuỗi khép kín vào ngành chăn nuôi, vừa có thể hỗ trợ dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất theo thị trường vừa cùng với nhà nước trong điều tiết cung cầu các sản phẩm chăn nuôi./.

Tác giả bài viết: BT

Nguồn tin: cpv.org.vn