Phát triển 'vựa' lúa gạo chất lượng cao ở Nghệ An
- Thứ tư - 04/10/2017 06:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bắt đầu từ năm 2010, xã Hưng Thắng đã xây dựng cánh đồng mẫu (CĐM) sản xuất giống lúa chất lượng cao AC5 và nếp DT52 với quy mô 30 ha.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hưng Thắng - ông Phan Văn Hiền, cho biết: Nhờ áp dụng các tiến bộ về giống, canh tác, nên năng suất lúa ở CĐM cao hơn giống đối chứng từ 20- 30 kg/sào, vụ xuân đạt 65- 70 tạ/ha, vụ hè thu 48- 50 tạ/ha. Từ đó, mỗi năm Hưng Thắng duy trì mức 50 ha CĐM, luân phiên qua các vùng đất khác nhau và nhân rộng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Vụ hè thu năm nay, xã Hưng Thắng phối hợp xây dựng thêm hai mô hình sản xuất nếp mới SVN1 và lúa Khang dân cải tiến, thu hoạch trước 5/9 và năng suất đạt 46- 50 tạ/ha.
Xã Hưng Tây cũng là địa phương khá “nổi” trong sản xuất các giống lúa chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Theo ông Lê Đình Tý - Phó chủ tịch UBND xã, từ 15 ha mô hình ban đầu, hiện diện tích CĐM lúa ở Hưng Tây đã lên đến 50 ha. Năng suất ở các CĐM luôn đạt cao hơn sản xuất đại trà khoảng 10% và lợi nhuận tăng 12- 17%. Hưng Tây cũng dần thay thế các giống lúa cũ bằng các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, AC5.
Hưng Nguyên có diện tích sản xuất lúa hàng năm là 5.800 - 5.900 ha, do đặc thù thổ nhưỡng chủ yếu là đất thịt nặng, chua, sâu trũng, chỉ phù hợp nhất với sản xuất lúa, nên huyện xác định đây là mũi nhọn, trọng tâm trong xây dựng các cánh đồng mẫu lớn (CĐML), phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hoá.
Bên cạnh đó, Hưng Nguyên lại nằm ở phụ cận thành phố Vinh, thuận lợi cho việc giao thương trao đổi hàng hóa, tiêu thụ các nông, sản phẩm.
Công ty CP Vật tư NN Nghệ An trồng nhiều giống lúa chất lượng cao ở Hưng Nguyên. Ảnh: Trân Châu |
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên - ông Hoàng Đức Ân, cho biết: Phát huy những thuận lợi đó, huyện chủ trương tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, trong đó quan tâm xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Huyện ban hành các cơ chế chính sách, hỗ trợ từ 70 - 100% giá giống đối với các giống lúa thuần, 30% phân bón và thuốc BVTV để tổ chức sản xuất các CĐML, đặc biệt quan tâm việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, ưu tiên các giống cây trồng mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt làm tiền đề cho sản xuất đại trà.
Từ năm 2012 đến nay, Hưng Nguyên đã xây dựng được 40 CĐM sản xuất lúa gạo hàng hóa tại 23 xã, thị trấn. Trong đó một số cánh đồng có hiệu quả cao và đã được nhân rộng như cánh đồng sản xuất giống lúa BTE trong vụ xuân ở Hưng Tiến, Hưng Xuân cho năng suất đạt 75 - 81 tạ/ha, cao hơn Nhị ưu 838 từ 11 - 15 tạ/ha; CĐM sản xuất giống lúa Kinh sở ưu, Nghi hương 2308, Syn6 ở Hưng Trung, Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Tiến… năng suất đạt 68 - 72 tạ/ha, tăng so với đại trà 8 - 12 tạ/ha.
Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng được các cánh đồng lớn sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao AC5, Nàng Xuân, Thiên ưu 8, Bắc Thơm số 9, năng suất đạt từ 65 - 72 tạ/ha, tăng so với đại trà 8 - 16 tạ/ha, doanh thu 45 - 56 triệu đồng/ha và thu nhập tăng so với sản xuất đại trà từ 11 - 26 %.
Trong vụ hè thu, các CĐM sản xuất giống lúa NA2, Bắc thơm số 7, Hoa Khôi 4, SV181 cũng cho năng suất từ 53 - 61 tạ/ha, tăng so với đại trà 6 - 12 tạ/ha, doanh thu đạt 40 - 44 triệu đồng/ha. Diện tích CĐML tăng liên tục qua từng năm, đến nay đạt trên 50% diện tích gieo cấy, tạo bước ngoặt có tính đột phá trong sản xuất lúa gạo.
“Chúng tôi thành công trong xây dựng các CĐM, đó là vì các mô hình đều xuất phát từ việc học hỏi kinh nghiệm nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Một số mô hình xây dựng dựa trên nguyện vọng của nông dân. Bên cạnh đó, là sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư quyết liệt của huyện, trong đó vai trò của cấp ủy cơ sở, ban chỉ huy xóm, các HTX hết sức quan trọng” - Ông Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên chia sẻ thêm.
Phú Hương/baonghean.vn