Phê duyệt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL

Phê duyệt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa

Mục tiêu đặt ra là xây dựng nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng cao với biến đổi khí hậu; sản xuất các ngành đạt năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý; hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng nâng cao; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hiệu quả; môi trường được bảo vệ và cải thiện.

Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu sản lượng lúa đạt 24,5 triệu tấn, sản lượng thủy sản đạt 3,5 triệu tấn; giá trị sản lượng bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng, đất nuôi trồng thủy sản đạt 250 triệu đồng.

Định hướng đến năm 2030, sản lượng lúa đạt 23-24 triệu tấn, sản lượng thủy sản đạt 4,2-4,3 triệu tấn, giá trị sản lượng bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt 180-200 triệu đồng, đất nuôi trồng thủy sản đạt 400 triệu đồng.

Theo quyết định, định hướng chung quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa sang đất phi nông nghiệp, đảm bảo quy mô diện tích đất nông nghiệp của vùng đến năm 2020 là 3,25 triệu ha.

Tầm nhìn đến năm 2030, dự báo diện tích đất nông nghiệp bị ngập do nước biển dâng khoảng 30 nghìn ha. Dự kiến đất lúa sẽ giảm khoảng 15 nghìn ha, dự kiến chuyển sang nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích đất nuôi trồng thủy sản lên khoảng 558 nghìn ha.

Quy hoạch cũng nêu một số giải pháp chủ yếu như khuyến khích phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các trang trại, doanh nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô ruộng đất, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, nhất là trong xúc tiến thương mại, đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu…Thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm nông, lâm thủy sản tại các tỉnh thuộc Vùng.

Về hỗ trợ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, theo quyết định, cần lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với nông nghiệp, nông thôn ở những khu vực nhạy cảm thuộc vùng ven biển, cửa sông. Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết khác phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo đời sống của nhân dân.

Theo baodientu.chinhphu.vn