Phó Thủ tướng kêu gọi thay đổi thói quen chen lấn, xả rác bừa bãi

Phó Thủ tướng kêu gọi thay đổi thói quen chen lấn, xả rác bừa bãi
Dẫn kinh nghiệm thế giới cho thấy việc không chú ý đến văn hóa có thể dẫn tới đổ vỡ nền tảng xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn báo chí góp phần định hướng, thay đổi hành vi từ những việc nhỏ nhất như thói quen chen lấn, xả rác…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. - Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 16/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019.

Theo Phó Thủ tướng, đây không chỉ là hoạt động thiết thực với Hội báo toàn quốc mà còn có ý nghĩa rất quan trrọng trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Theo Phó Thủ tướng, nói về văn hoá là nói tới một chủ đề rất lớn, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển quốc gia, dân tộc. Báo chí là một bộ phận của văn hoá, báo chí sáng tạo, phổ biến, lưu truyền các giá trị văn hoá. Mỗi một nhà báo cũng là một chiến sỹ văn hoá trên mặt trận tư tưởng của Đảng.

Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa khái niệm rất rộng với nhiều định nghĩa, trong đó một định nghĩa mà ai cũng hiểu: Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi sinh tồn.

Còn về văn hóa ứng xử, có thể hiểu đó là những hành vi, việc làm, thái độ, lời nói, giao tiếp của từng người và của cộng đồng, của dân tộc, được hình thành, thể hiện qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành liên tục của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. 

“Người ta có thể khen một người rất giàu, rất đẹp, rất sang, nhưng không quý bằng lời khen người đó có học, và lời khen có học cũng chưa quý bằng lời khen có văn hóa. Và một dân tộc, cộng đồng giàu có, có nhiều công nghệ hiện đại thì đáng được ca tụng nhưng càng tự hào hơn nếu được ca ngợi là dân tộc có văn hóa”, Phó Thủ tướng nói.

Cho biết đã có những tranh luận từ nhiều chục năm về văn hóa ứng xử và bản thân đã đọc hàng ngàn trang tài liệu về vấn đề này, Phó Thủ tướng nhắc lại nhận định của Bác Hồ: Người Việt Nam ta, dân tộc ta có những phẩm chất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, lương thiện, biết tự trọng.

Theo Phó Thủ tướng: “Bác còn nói rất hay, rất cụ thể, không chỉ cho cán bộ mà còn cho mọi người về 4 đức tính:  “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người””.

Nghị quyết 33 của Đảng cũng nói rất rõ những phẩm chất mà con người Việt Nam phải hướng tới là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Còn chương trình giáo dục phổ thông nêu 5 phẩm chất mà học sinh hướng tới là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhắc tới những chuẩn mực văn hóa trong tập quán mà ai cũng biết, cũng công nhận, không cần lý giải nhiều, như kính lão đắc thọ, ưu tiên phụ nữ. Rồi có những biểu hiện thiếu văn hóa mà ai cũng thấy, không cần tranh luận, như chen lấn, lãng phí, xả rác bừa bãi, ồn ào ở những nơi công cộng, những nơi cần yên tĩnh, trễ giờ, sử dụng những thứ không phải của mình mà không xin phép…
 

Theo Phó Thủ tướng, nếu thay đổi được các thói quen xấu như chen lấn, xả rác bừa bãi, thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, chưa nói đến vấn đề sáng tạo các giá trị văn hóa, trước hết cần nhắc tới vai trò của báo chí trong định hướng, thay đổi hành vi, nêu gương tốt, phê phán cái xấu. Nói như Bác Hồ là phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ.

“Hãy làm những việc cụ thể, tập trung làm chuyển biến những thói quen không tốt, mà tôi chỉ xin lấy ví dụ hai việc. Thứ nhất, nếu chúng ta khắc phục được thói chen lấn thì giao thông sẽ khác ngay, chưa nói đến chuyện nhường đường cho người già, trẻ em. Thứ hai là thói xấu xả rác bừa bãi. Nếu chỉ làm được hai việc đó thì xã hội đã tốt lên bao nhiêu”, Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.

Phó Thủ tướng lưu ý, báo chí không nên chỉ đưa tin mà còn cần phân tích hành vi đó trên giác độ văn hóa và đưa ra khuyến nghị, với sự tham gia, nghiên cứu của các nhà văn hóa. Đồng thời, việc định hướng, thay đổi hành vi này rất cần sự kiên trì.

Cho rằng công việc này cần nhiều biện pháp đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều cơ quan khác, Phó Thủ tướng hoan nghênh việc trao giải báo chí về văn hóa.

“Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng dù hiện nay nhiều hành vi thiếu văn hóa có chiều hướng lan ra, nhưng đó không phải bản chất của dân tộc ta, một dân tộc có truyền thống văn hiến nghìn đời, rực rỡ, nếu không thì chúng ta đã bị đồng hóa rồi và không thể thắng nổi thiên tai, địch họa để có được cơ đồ ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, những thói quen, hành vi không chuẩn về văn hóa là do ảnh hưởng của thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, khi chúng ta đã không chú ý đúng mức tới văn hóa.

Lưu ý thứ hai, theo Phó Thủ tướng, thực tế nói trên cũng không phải là bất bình thường so với thế giới. Đây là căn bệnh chung của các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế chuyển đổi.

“Thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa – xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được, thậm chí có thể dẫn tới đổ vỡ”, Phó Thủ tướng phân tích thực tiễn thế giới và cho rằng, “chúng ta đã làm rồi nhưng phải đến lúc có tiếng nói mạnh mẽ hơn cho công cuộc này”.

Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các cơ quan báo chí nên có các chuyên mục, tăng lượng bài viết về các hành vi, ứng xử văn hóa, nhằm vào những vấn đề thiết thực, cụ thể, với sự tham gia nghiên cứu, phân tích của các nhà văn hóa, nhà khoa học, cộng với các phương thức truyền thông mới, để làm sao tất cả mọi người dần quen với những hành vi tốt, đồng thời ai cũng biết những hành vi chưa phù hợp để tránh, để tự sửa mình.

“Như thế, công cuộc xây dựng nền văn hóa, phát triển con người Việt Nam nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn và chỉ có như vậy thì sự phát triển của đất nước mới thực sự bền vững, người Việt Nam chúng ta hôm nay mới xứng đáng với di sản rất đáng tự hào mà tổ tiên để lại”, Phó Thủ tướng nói.  

Đình Nam/ Baochinhphu.vn