Phối hợp cung ứng thực phẩm sạch

Phối hợp cung ứng thực phẩm sạch
Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa tỉnh Lâm Đồng, Long An và TP.HCM (2017 - 2019).
 
Nông sản, thực phẩm theo chuỗi được bày bán trong các siêu thị được người tiêu dùng TP.HCM tin tưởng lựa chọn

Được biết, năm 2017, Ban ATTP TP.HCM đã ký kết với Sở NN-PTNT tỉnh Long An, Lâm Đồng về phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản. Thông qua việc ký kết, mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa tỉnh Long An, Lâm Đồng và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi…) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh, truy xuất được nguồn gốc…

Với mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân TP.HCM, thời gian qua Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 279 Giấy chứng nhận cho 138 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Đăk Nông với tổng sản lượng hơn 119.000 tấn/năm. Trong số đó, tỉnh Long An có 9 cơ sở sản xuất, sơ chế rau quả được cấp giấy chứng nhận; tỉnh Lâm Đồng có 15 cơ sở.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM, “chống thực phẩm bẩn phải đi đôi với xây dựng chuỗi thực phẩm sạch để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân. Việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn mới chỉ đi được những bước đầu, còn rất nhiều thách thức và khó khăn.

Còn đối với sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM thì hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân. Vì vậy, cần phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm sạch cho thành phố. Vấn đề quan trọng nhất không phải tăng về số lượng mà là duy trì về mặt chất lượng. Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng những thực phẩm mang danh là chuỗi thực phẩm an toàn đảm bảo được uy tín của mình và đang dần dần tăng được sản lượng, được người tiêu dùng tại TP.HCM chấp nhận”.

Bà Đinh Thị Phương Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản an toàn tiêu thụ tại TP.HCM, Sở NN-PTNT Long An đã hỗ trợ trên 35 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP với sản lượng ước đạt trên 20.800 tấn. Có hơn 26.400 hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã triển khai được 51/57 hợp đồng cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp tại TP.HCM. Tuy nhiên, phần lớn các HTX, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ bán được khoảng 30% sản lượng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, bếp ăn tập thể… còn lại phải bán cho thương lái để cung cấp cho chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, Bình Điền”.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản, Thủy sản thì tổng sản lượng thì tiêu thụ nông sản thực phẩm của Lâm Đồng cho thị trường TP.HCM đạt hơn 25.000 tấn/năm.

Trong thời gian tới, BQL ATTP TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành để xây dựng hệ thống “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm đảm bảo chất lượng nông sản, thực phẩm phục vụ cho người dân thành phố, cũng như tăng cường quảng bá giới thiệu những mặt hàng đạt chuẩn của tỉnh Long An và Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh thành nói chung.

NGUYỄN THỦY/ Nông nghiệp