Phong Thổ - Lai Châu - Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Phong Thổ - Lai Châu - Điểm sáng xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn yếu, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Cùng với đó, chủ động, sát sao trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn, vận động người dân tích cực chung tay xây dựng NTM.


Năm 2015, xã Mường So, huyện Phong Thổ, được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, một số tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường vẫn còn mặc dù đạt nhưng vẫn còn yếu. Để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và giữ vững xã đạt chuẩn NTM, cấp ủy chính quyền địa phương luôn chủ động và sát sao trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân tích cực chung tay xây dựng NTM. Đến nay diện mạo xã Mường So đã được thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân ngày được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn thiện giúp nhân dân yên tâm phát triển sản xuất.

Với mục tiêu tạo nền tảng tốt nhất cho nguời dân nâng cao chất lương cuộc sống, Mường So đã huy động sức mạnh cộng đồng dân bản chung sức xây dựng NTM. Không chỉ dừng lại ở việc bổ sung nâng cao cơ sở vật chất như: điện, đường, trường, trạm mà xây dựng NTM còn gieo mầm việc nâng cao ý thức tự giác trong nếp sống của từng người dân, từng hộ gia đình, thôn bản.

1. Nhân dân bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ vê sinh đường nội bản.
Nhân dân bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ vê sinh đường nội bản.

Xác định tiêu chí số 17 về môi trường là một tiêu chí khó, cấp ủy chính quyền địa phương xã Mường So đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tiêu chí này. Đến nay, toàn xã có 1165/1586  hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt quy chuẩn. Các cơ sở giết mổ nhỏ đã có cam kết và biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Không có cơ sở gây ô nhiễm về môi trường. Nghĩa trang các bản đã được quy hoạch hợp lý, phù hợp với tập quán của địa phương.

Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi và sinh hoạt của người dân nên công tác vệ sinh môi trường ở một số thôn bản chưa thật sự đảm bảo, công tác vệ sinh thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã còn chưa đồng đều, một số địa bàn xa trung tâm còn coi nhẹ công tác này. Để hoàn thiện tiêu chí, chính quyền xã Mường So đã phối hợp với các thôn, bản tăng cường truyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn việc giữ gìn vệ sinh chung theo quy định của cộng đồng.

Ông Đèo Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Mường So, chia sẻ: Các bản đã thành lập các tổ thu gom rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm 1 đến 2 lần trong tuần. Đưa các quy định vê bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của địa phương. Cùng với đó, người dân các bản đã sử dụng tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM. Từ đó, hệ thống điện chiếu sáng các bản được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo của các bản văn hóa.

Chúng tôi đến thăm bản văn hóa Vàng Pheo, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà sàn khang trang, đường làng sạch đẹp, được bê tông hóa, kinh tế ngày càng phát triển, phong trào xây dựng NTM được bà con ủng hộ và chung tay xây dựng.

2. Các hộ dân đã chủ động xây dựng chuồng trai, đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn.
Các hộ chủ động xây dựng chuồng trai, đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn.

Trưởng bản Teo Văn Duyên, cho biết: Bản có 120 hộ với trên 490 nhân khẩu. Đến nay, cả bản chỉ còn 17 hộ nghèo. Để có được bản khang trang như ngày hôm nay, ngoài sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước là sự đồng sức, đồng lòng của dân bản. Đấy! đường vào bản được bê tông hóa nhờ có sự hỗ trợ theo cơ chế đặc thù, nghĩa là dân bản góp công và cát, còn Nhà nước hỗ trợ xi măng và đá.

Hàng năm, bản Vàng Pheo đã vận động dân bản đóng góp và trích từ tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng để góp phần vào xây dựng NTM. Qua thống nhất, dân bản dùng tiền đó vào xây dựng, tu sửa đường đi, cơ sở vật chất và xây dựng hệ thống điện chiếu sáng khắp các ngõ trong bản.  Bà con cũng đã tự giác trong việc bảo vệ môi trường, vệ sinh đường bản, xây dựng chuồng trại đưa gia súc, gia cầm ra xa khu vực nhà ở.

Bà Teo Thị Hơn, người dân bản Vàng Pheo, phấn khởi: Già năm nay đã gần 80 tuổi, từ khi có đường bên tông nên việc đi lại dễ dàng hơn trước nhiều, chứ không như ngày trước toàn đường đất khi mưa xuống đi lại khó khăn lắm. Cả bản được thắp điện chiếu sáng cả bản nên trộm cắp cũng không còn xảy ra, đi đêm cũng không sợ phải lạc đường nữa…

Cuộc sống người dân có nhiều thay đổi tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh vụ, đưa máy móc cơ giới vào sản xuất, nâng cao hệ só sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề được quan tâm chú trọng… Những thành quả Mường So đạt được trong xây dựng NTM đã trở thành điểm sáng lan tỏa tới nhiều bản làng, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng NTM của Phong Thổ từng bước vững mạnh.

Tác giả bài viết: Hà Thuận - Trần Thành