Phòng tránh rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm
- Thứ sáu - 06/10/2017 09:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có cán bộ ngân hàng lợi dụng mối quan hệ cá nhân đã hình thành suốt thời gian dài giao dịch với khách hàng, từ đó tạo niềm tin về uy tín, quyền hạn để sau đó tìm cách rút gọn các thủ tục, quy trình gửi tiền tiết kiệm không đúng theo quy định với ý đồ trục lợi.
Nhiều khách hàng vì quá tin tưởng mà thụ động ký các giấy tờ do cán bộ ngân hàng đưa ra, tạo điều kiện để những nhân viên này dễ dàng rút tiền trong các sổ tiết kiệm hoặc chuyển sang các tài khoản khác.
Thậm chí, có những khách hàng chủ quan đến mức không trực tiếp tới trụ sở ngân hàng giao dịch mà gọi cán bộ đến nhà giao tiền và đưa sổ đã làm sẵn. Điều này chứa đựng rủi ro rất lớn nên có ngân hàng trước đây đã không chấp nhận tính hợp lệ của những giao dịch phát sinh bên ngoài trụ sở. Trước đây trong thời kỳ cạnh tranh huy động vốn quyết liệt, việc cho nhân viên đến tận nhà khách hàng lấy tiền gửi là phổ biến, nhưng giờ đây điều này rất hiếm xảy ra.
Chính vì vậy, khách hàng khi gửi tiền cần phải đến tận trụ sở của ngân hàng giao dịch để đảm bảo tính hợp lệ. Nếu là số tiền lớn thì khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng hỗ trợ xe vận chuyển, nhưng điểu kiện tiên quyết là việc gửi và rút tiền phải diễn ra tại trụ sở ngân hàng. Trước khi ký các giấy tờ khách hàng phải đọc kỹ nội dung, tránh tình trạng ký khống hoặc ký hợp thức hóa.
Dù vậy, trong những trường hợp nhân viên ngân hàng cấu kết với nhau, thường là giữa bộ phận kiểm soát và giao dịch, hoặc một cán bộ nào đó có chủ đích lừa đảo, lạm dụng quyền để giả mạo, rút ruột tiền gửi thì khách hàng khó mà ngăn chặn.
Trong những tình huống ấy, khách hàng tuy không ngăn chặn được nhưng có thể biết ngay sự việc diễn ra nếu đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch qua tin nhắn tự động. Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều triển khai các dịch vụ gửi tin nhắn đến số điện thoại khách hàng khi có giao dịch liên quan đến tài khoản khách hàng xảy ra. Và do tin nhắn này là tự động từ tổng đài của ngân hàng nên khó có cá nhân nào giả mạo được.
Vì vậy, khách hàng trước khi mở sổ tiết kiệm nên đăng ký mở một tài khoản thanh toán và các dịch vụ tiện ích đi kèm như SMS Banking, Internet Banking để theo dõi tình trạng số dư trên các tài khoản tại ngân hàng và được thông báo mỗi khi có giao dịch phát sinh. Và khi khách hàng mở sổ tiết kiệm mới, hệ thống cũng tự động thông báo đến khách hàng về số sổ tiết kiệm vừa mở, số dư hiện có, từ đó tránh được tình trạng sổ bị giả mạo hoặc sổ là thật nhưng tiền gửi không có trên hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy hầu hết các sổ tiết kiệm bị làm giả, bị rút tiền đều do khách hàng chủ quan không theo dõi định kỳ số dư trên sổ, không biết cách hoặc không thường xuyên kiểm tra tài khoản. Nhiều khách hàng gửi kỳ hạn dài và lĩnh lãi cuối kỳ nên mỗi năm mới lên ngân hàng một lần để lĩnh, hoặc thậm chí để cho tiền lãi nhập vào vốn gốc và để tự động tái tục.
Đây là sơ hở để nhân viên ngân hàng lợi dụng. Vì vậy khách hàng có thể lựa chọn gửi kỳ hạn dài nhưng đăng ký lĩnh lãi hằng tháng như là một cách kiểm tra số dư trong tài khoản vẫn an toàn. Hiện nay cũng đã có ngân hàng triển khai dịch vụ lĩnh lãi tiền gửi tiết kiệm qua tài khoản thẻ, theo đó tiền lãi phát sinh hằng tháng sẽ tự động chuyển vào tài khoản thẻ đồng thời có tin nhắn thông báo đến khách hàng định kỳ nếu khách hàng có đăng ký.
Theo cách này, khách hàng sẽ sớm phát hiện ra khi tiền trong tài khoản tiết kiệm bị rút ra hoặc chuyển đi. Việc theo dõi số tiền lãi nhận được định kỳ từ tổng đài cũng là cách để biết số dư trong sổ vẫn còn hay không còn. Thực tế cho thấy cán bộ ngân hàng khi vi phạm thường lựa chọn các tài khoản của những khách hàng ít quan tâm, không có dịch vụ tin nhắn điện tử.
Vì vậy, nếu gửi tiền tiết kiệm, ngoài các yếu tố lãi suất, tiện lợi thì khách hàng nên tìm đến những ngân hàng có dịch vụ thông báo số dư, biến động giao dịch để luôn nắm bắt được tình trạng của tài khoản.