Phụ nữ Hà Tĩnh rèn đức, luyện tài, đảm đang vì tiến bộ xã hội

Phụ nữ Hà Tĩnh rèn đức, luyện tài, đảm đang vì tiến bộ xã hội
Từ bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống. Nhận thức được điều đó, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Hà Tĩnh nói riêng luôn tự tin học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nâng cao tay nghề, góp phần giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội và gia đình, đảm đang gánh vác cả việc nước lẫn việc nhà.

Một mình đảm nhiệm cả 3 vai, vừa là bí thư cấp ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty, áp lực công việc đối với chị Võ Thị Hồng Minh rất lớn. Làm nông nghiệp đã khó, ngành giống cây trồng lại càng khó hơn bởi lợi nhuận không cao, rủi ro nhiều, nhưng chị luôn kiên định, tư duy, sáng tạo để đưa công ty phát triển.

phu nu ha tinh ren duc luyen tai dam dang vi tien bo xa hoi

“Ngoài sự tâm huyết, nhiệt tình, luôn bám sát chủ trương, định hướng của cấp trên để nhanh nhạy trong xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tôi cho rằng, thành công chính là sức mạnh đồng thuận của các cổ đông, của cán bộ, công nhân viên. Cùng với phương châm luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của anh em, phát huy sức mạnh dân chủ, minh bạch trong các hoạt động kinh tế, tôi hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học kỹ thuật”.

Nói đi đôi với làm, chị đã thực hiện những chuyến đi trong và ngoài nước để liên hệ với các nhà khoa học hàng đầu trong việc liên kết tìm kiếm và khảo nghiệm nhiều loại giống mới bổ sung vào cơ cấu của tỉnh, chú trọng duy trì, phục tráng sản xuất các bộ giống trong đề án của tỉnh để có nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân.

Chị Ngô Thị Hoài Nam - PGĐ Sở Ngoại vụ: Tự tin là yếu tố mang đến thành công

Đối với người phụ nữ trong thời kỳ hiện đại, vừa đảm nhiệm tốt vai trò “giữ lửa” trong gia đình, vừa hoàn thành trọng trách mà cơ quan giao phó là điều không dễ. Với chị Ngô Thị Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ phụ trách lĩnh vực hợp tác quốc tế, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ, hậu thuẫn, chia sẻ của gia đình thì điều cần thiết nhất để làm tốt trọng trách của mình chính là sự tự tin.

phu nu ha tinh ren duc luyen tai dam dang vi tien bo xa hoi

“Sự tự tin đó được làm nên từ quá trình không ngừng học hỏi để có chuyên môn vững chắc, ngoại ngữ giỏi, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán... Người làm công tác ngoại giao còn phải tìm tòi, nghiên cứu để có sự hiểu biết sâu, rộng về tình hình thế giới, ở tất cả các lĩnh vực. Bởi khi làm việc với các đối tác nước ngoài, câu chuyện ở trên bàn ngoại giao không chỉ dừng lại ở những thông tin từ các dự án, chương trình họ quan tâm mà nhiều khi mối thiện cảm còn được tạo ra từ những câu chuyện ngoài lề. Đối với lĩnh vực ngoại giao, việc xử lý tình huống cũng phải hết sức nhạy bén, linh hoạt và mềm dẻo...”.

Chị Phan Thị Bảy - GĐ HTX Rau Hằng Bảy (Thạch Văn - Thạch Hà): Mạnh dạn làm chủ khoa học kỹ thuật

Là một nông dân, chị Phan Thị Bảy ở thôn Bắc Văn (xã Thạch Văn, Thạch Hà) đã có bước đột phá ngoạn mục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và của các xã viên trong HTX rau, củ, quả của mình. Việc mạnh dạn vận động 8 gia đình trong thôn nhận 2 ha đất cát bạc màu để sản xuất rau sạch theo quy mô tập trung từ năm 2013 của chị đã tạo động lực cho phong trào nông dân sản xuất rau sạch ở nơi đây.

phu nu ha tinh ren duc luyen tai dam dang vi tien bo xa hoi

“Để phát triển và hội nhập, đòi hỏi người nông dân phải mạnh dạn ứng dụng khoa học, làm chủ khoa học kỹ thuật. Chính vì thế, tôi đã cùng chị em học hỏi, tìm hiểu. Nhờ đó, mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap đã được chúng tôi từng bước tiếp cận và ứng dụng. Từ năm 2015 đến nay, HTX đa dạng hóa sản phẩm trên đơn vị diện tích theo phương châm mùa nào thức nấy. Việc tìm kiếm đầu ra cho các mặt hàng cũng được tập trung bằng thương hiệu sạch, bằng chất lượng sản phẩm. Nhờ thế, cuộc sống của bà con xã viên ở HTX rau Hằng Bảy vẫn được duy trì ổn định với mức thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng/hộ/năm”.

Cô Lê Thị Hiền - GV Tin học Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh): Thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, tránh bị tụt hậu

“Thực tế, công nghệ thông tin thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp mọi người tiếp cận thông tin nhiều chiều, đồng thời, rút ngắn mọi khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm về thời gian. Vì thế, để phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, đặc biệt là thực hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, bản thân tôi đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, cập nhật những cái mới để bổ sung kiến thức phù hợp với xu thế phát triển, tránh bị tụt hậu”.

phu nu ha tinh ren duc luyen tai dam dang vi tien bo xa hoi

Cũng từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập, đến nay, hầu hết giáo viên nhà trường đã ứng dụng các phần mềm phục vụ cho công tác giảng dạy như giáo án điện tử, liên môn tích hợp, giảng dạy trực tuyến... Ngoài ra, ở bộ môn Tin học năm nay, trường đã có 1 học sinh lớp 11 đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia…

 

Theo Thúy Ngọc - Biện Nhung/ Báo Hà Tĩnh