“Phù thủy” dùng rác thải cho… sản xuất sạch
- Thứ ba - 28/03/2017 00:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một “kẻ sỹ” độc hành
Ấn tượng của tôi về người phụ nữ nhỏ nhắn có ánh mắt cương nghị này là sự thẳng thắn khi đưa ra ý kiến tại các cuộc họp, hội thảo về môi trường, với lập luận vô cùng sắc sảo. Ở tuổi 57, Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Tăng Thị Chính vẫn thường xuyên tham gia các chuyến công tác dài ngày.
Nhanh nhẹn rót nước mời khách, bà khoe: “Tôi vừa đi thực tế ở nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và có thể tự tin khẳng định rằng nó không còn mùi hôi như nhiều nhà máy khác. Mùn hữu cơ thu được sau quá trình xử lý cũng được chế biến thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ nông nghiệp, hoặc sản xuất gạch không nung”.
Nghe TS Chính say chuyện khi nói về chủ đề tâm huyết - xử lý rác, khó hình dung bà từng học ngành công nghiệp thực phẩm tại Bungary, chuyên ngành công nghệ vi sinh (chủ yếu nghiên cứu sản xuất rượu, bia, kháng sinh) và từng làm việc trong ngành chế biến thực phẩm trước khi rẽ sang nghiên cứu về môi trường.
“Nhiều người khuyên tôi không nên làm về rác thải vì đây là vấn đề khó và mênh mông; nhưng thời điểm đó Việt Nam chỉ có nghiên cứu biogas trong chăn nuôi, còn vấn đề xử lý rác chưa được quan tâm, chủ yếu là chôn lấp. Tôi nghĩ cứ như vậy thì rác sẽ ngày một nhiều, nếu không tìm cách giải quyết sẽ rất nguy hại cho tương lai” - TS Chính chia sẻ.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Tăng Thị Chính tại phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ sinh học. Ảnh: Phượng Hằng
Về cơ duyên chọn vi sinh làm hướng đi trong xử lý ô nhiễm, bà kể: “Năm 1997, tôi đến Nhà máy chế biến phế thải đô thị Hà Nội, thấy họ xử lý rác bằng phương pháp tự nhiên, 3 tháng mới được một mẻ, mùi thì rất nặng. Mùa đông, các bể bốc khói, tôi phải trèo lên để quan sát, thấy nhiệt độ rất cao nên nghĩ có thể sử dụng các vi sinh vật chủng ưa nhiệt”.
Hồi đó tài liệu về xử lý rác còn hiếm, Internet chưa phát triển, TS Chính phải nhờ người quen đi nước ngoài tìm hộ các bài báo có liên quan, rồi ngày ngày tra cứu tài liệu ở Thư viện Khoa học kỹ thuật, tra cả các bài trích dẫn có rất ít thông tin. “Quả thật lúc đó tôi nghĩ mình như kẻ sỹ độc hành” - bà cười.
Đầu năm 2000, chế phẩm biomix 1 của bà được thử nghiệm ở Nhà máy rác Cầu Diễn, giúp rút ngắn thời gian ủ yếm khí từ 45 ngày xuống còn 25 ngày, giảm năng lượng tiêu thụ và đặc biệt không còn mùi hôi. Hiện chế phẩm đã được áp dụng ở Việt Trì và Thái Bình.
Ăn, ngủ cùng nông dân
Ngoài xử lý chất thải công nghiệp, TS Chính còn ứng dụng chế phẩm vi sinh vào xử lý rơm rạ và các chất thải hữu cơ khác như thân lá các loại rau, dưa, phân gia súc, gia cầm... để sản xuất phân bón.
Những ngày đầu tiên đưa chế phẩm sinh học vào xử lý tàn dư đồng ruộng cho 70ha đất thuộc 5 huyện của tỉnh Nam Định, TS Chính đã ăn, ngủ, làm cùng nông dân. “Nhiều nông dân hỏi tôi liệu có làm được không, tôi lập tức lội xuống ruộng thu gom phế phẩm lại một góc rồi cho chế phẩm vi sinh vào ủ. Như vậy để họ trực tiếp thấy cách mình làm, quy trình sẽ trở nên đơn giản, dễ hình dung hơn trong mắt họ” - TS Chính giải thích.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Tăng Thị Chính thăm Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ảnh: Hoàng Anh
Sự lăn xả và tận tâm của bà khiến họ tin tưởng và nhiệt tình hơn trong việc ứng dụng chế phẩm và nhận thấy quá trình phân hủy chất thải hữu cơ diễn ra rất tốt, thời gian ủ được rút ngắn, không sinh mùi hôi thối, lại tiêu diệt được các vi sinh vật gây bệnh, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ sạch. “Điều kiện thời tiết của Việt Nam về mùa hè rất thuận lợi cho quá trình phân hủy rơm rạ, khoảng 30-35 ngày là có thể rải xuống ruộng cấy được” - TS Chính cho biết.
Làm sao để ngày càng nhiều nông dân ứng dụng cách xử lý rác hữu cơ thân thiện với môi trường, đó là điều bà luôn trăn trở: “Vừa rồi tôi vào Đồng Nai để hướng dẫn cho một loạt vùng, trang trại về nông nghiệp để họ sử dụng chế phẩm vi sinh của mình trong xử lý rác thải nông nghiệp. Tôi chỉ mong sao bà con mình tiếp cận được, vì dùng hóa chất nhiều không phải là hướng đi đúng của một đất nước muốn phát triển bền vững”.
Đi nghỉ mát cũng lo chuyện rác
Mê việc, TS Chính rất “ky bo” về khoản thời gian dành cho việc hưởng thụ. Ngay cả các chuyến nghỉ mát cùng gia đình của bà cũng gắn với công việc. Bà kể: “Có lần cùng gia đình đi nghỉ mát ở Cửa Lò (Nghệ An), tôi muốn tranh thủ đến Vinh xem tình hình hoạt động của nhà máy rác. Chồng và con chiều ý, thế là cả nhà cùng đi. Đến cách nhà máy tầm 500m, ai nấy bắt đầu bịt mũi, kêu đau đầu. Khi về, con gái bảo lần sau nếu đến nhà máy rác thì mẹ đi một mình thôi nhé. Nhưng nhờ cùng trải nghiệm như vậy, chồng con cũng hiểu hơn công việc tôi đang làm”.
Nhắc đến lòng đam mê của nhà khoa học nữ này, PGS-TS Nguyễn Thị Huệ - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường - tấm tắc: “PGS-TS Tăng Thị Chính vô cùng tâm huyết với vấn đề xử lý rác, say sưa khám phá về nó. Bà có khả năng nhìn nhận vấn đề rất tốt. Những câu chuyện khoa học của bà không phải là lý thuyết mà luôn đi vào thực tế”.
Theo bà Huệ, TS Chính luôn sẵn sàng dành hết thời gian mình có, kể cả các ngày nghỉ lễ để đến các các địa phương, thậm chí cả vùng sâu, vùng xa khi họ cần đến bà và công nghệ xử lý rác bằng vi sinh. “Nhiều khi đang ốm, người gầy đen nhưng bà vẫn lao vào công việc, xem nghiên cứu là niềm vui để giữ ngọn lửa đam mê” - TS Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.
“Làm khoa học là phải làm thật sự, có trách nhiệm, phải không tiếc thời gian nghiên cứu thì mới hiểu được bản chất của vấn đề. Khi làm một đề tài mới, điều đầu tiên là phải đi khảo sát cùng các anh em trong nghề” - PGS-TS Tăng Thị Chính giải thích về “thói cuồng công việc” của mình và không quên nhấn mạnh, với bà, khi làm khoa học, chữ tâm phải được đặt lên trên hết.
PGS-TS Tăng Thị Chính sinh năm 1951 tại Kim Bảng, Hà Nam. Năm 1985, bà tốt nghiệp khoa Công nghệ lên men, Đại học Công nghiệp thực phẩm Plovdiv, Bungary. Hiện bà công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; giảng dạy về công nghệ sinh học - môi trường tại Đại học Phương Đông và Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Bà từng tham gia 21 đề tài khoa học, công bố 55 công trình tại các tạp chí chuyên ngành trong nước. Các công trình tiêu biểu: Công nghệ sử dụng các chế phẩm vi sinh vật để xử lý, chế biến chất thải rắn sinh hoạt, phụ phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh; công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý mùi hôi cho chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, bãi chôn lấp chất thải. |
Theo Lê Phượng/ Khoa học phát triển