Qua 30 năm đổi mới: Nền nông nghiệp đạt nhiều thành tựu to lớn
- Thứ bảy - 29/08/2015 10:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một là, tổng kết, đánh giá những vấn đề lý luận-thực tiễn về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam, nhất là trong 30 năm đổi mới; những kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; làm rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong quá trình CNH-HĐH đất nước.
Hai là, phân tích, đánh giá thành tựu, kết quả và cả những hạn chế, yếu kém, cơ hội và thách thức của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.
Ba là, đề xuất các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo Ông Vương Đình Huệ, từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược có tính lâu dài.
CNH – HĐH nông nghiệp; phát triển nông nghiệp và nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thể hiện và phát triển cả về lý luận – thực tiễn trong nhiều chủ trương, chiến lược và chính sách lớn qua các kỳ Đại hội Đảng trong 30 năm đổi mới.
Nhiều Nghị quyết Trung ương được ban hành, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng về CNH – HĐH nông nghiệp – nông thôn, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các địa phương triển khai thực hiện, với nhiều hình thức phong phú, đã thu được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người nông dân.
“Qua 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn”, Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là vấn đề chiến lược trong các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong 5 năm qua, kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng Nhà nước vẫn hết sức cố gắng đầu tư cho “tam nông” tăng 2,22 lần so với các năm trước; tỉ trọng chi cho “tam nông” tăng từ 32,8% lên 41,1% GDP trong năm 2014.
Nhờ đó, kinh tế-xã hội nói chung, đời sống nông dân nói riêng đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và có ý nghĩa lịch sử.
Năm 2014, tăng trưởng nông nghiệp bình quân trên 3%/năm, đời sống nông dân tăng gấp 2 lần so với năm 2010; nông thôn mới thành hiện thực ở nhiều vùng trong cả nước với 10% số xã hoàn thành 19 tiêu chí.
Mặc dù đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử nhưng Phó Thủ tướng cho rằng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn. Nhiều nơi không còn đói ăn, nhưng chưa giàu.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn diện thì nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp còn nhiều thách thức. Từ tìm hiểu thực tiễn, Phó Thủ tướng cũng đã nêu một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, góp ý như về quy hoạch sản xuất nông nghiệp, một vấn đề hệ trọng để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”.
Về mô hình sản xuất trong bối cảnh mới, Phó Thủ tướng cho rằng phải liên kết các hộ sản xuất qua các tổ hợp tác để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất cao; liên kết nông dân với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của cả nước…
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, vấn đề quan trọng nhất là nhận thức đúng ở cả Trung ương và địa phương, từ cán bộ tới nhân dân.
Bởi nguyên nhân của những yếu kém trong nông nghiệp không phải đến từ khách quan mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, tới nay còn 16 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Nhiều chuyên gia tại Hội thảo đã nhận định, tác động tích cực của những chính sách cởi trói trong nông nghiệp, nông thôn dường như đã tới hạn, thậm chí một số chính sách lại cản trở sự phát triển của nông nghiệp.
Do đó đòi hỏi phải có sự thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, chuyển từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.
Bên cạnh đó, thoát ra khỏi tư duy của nền kinh tế nông nghiệp khép kín để hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lớn, hoạt động theo cơ chế thị trường và đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nền nông nghiệp quy mô lớn đòi hỏi phải thu hút được các doanh nghiệp lớn, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế.
Để thu hút được doanh nghiệp, cần giải quyết một số điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn như các vấn đề về kết cấu hạ tầng, tích tụ đất đai, phát triển nguồn nhân lực…
Kết quả của Hội thảo quan trọng này sẽ được tổng hợp, chắt lọc, đề xuất báo cáo Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đóng góp vào quá trình thảo luận, quyết sách và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Nguồn: Giaoduc.net.vn