Qua châu Âu học cách sản xuất giá thể

Chủ trang trại LangBiang Farm đã qua tận châu Âu học cách làm giá thể để canh tác rau hoa.
Vườn dâu công nghệ cao trồng bằng giá thể tại LangBiang Farm Vườn dâu công nghệ cao trồng bằng giá thể tại LangBiang Farm - Ảnh: Lâm Viên

Bà Văn Thị Tâm cùng chồng là ông Trần Huy Đường, chủ nhân của LangBiang Farm, là những người tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Ban đầu họ dùng vỏ cây thông, dương xỉ, trấu, vỏ cà phê, phân bón chế biến thành giá thể để trồng địa lan, hồng môn… Tiếp đó, họ ứng dụng trồng các loại hoa và cây trồng khác, nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.

Tầm sư học đạo

Đầu năm 2014, bà Tâm đã lặn lội qua châu Âu một tháng để “tầm sư học đạo”. Bà được tham quan các nhà máy sản xuất giá thể ở Hà Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha… Về Đà Lạt, bà Tâm cùng chồng “chỉnh” lại hệ thống máy móc và được sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia đến từ các tổ chức PUM (Hà Lan), BSPS (Đan Mạch), LangBiang Farm hoàn thiện quy trình sản xuất giá thể phù hợp với từng loại cây trồng.

Bên cạnh những vật liệu có sẵn như xơ dừa, trấu đốt, vỏ thông…, bà Tâm nhập khẩu thêm peat moss từ Thụy Điển. “Peat moss là một loại rong biển, giàu chất dinh dưỡng; ở các nước châu Âu, peat moss là thành phần không thể thiếu của giá thể phục vụ canh tác nông nghiệp công nghệ cao”, bà Tâm cho biết.

Không chỉ dùng giá thể để canh tác hoa cẩm chướng, ly ly, hồng môn…, vào mùa mưa 2014, lần đầu tiên bà Tâm trồng thử nghiệm khoai tây trái vụ trên giá thể trong nhà kính. Sau 3 tháng chăm sóc, khoai tây cho sản lượng không thua kém trồng trên đất mùa chính vụ. Bà Tâm cho biết sẵn sàng chuyển giao quy trình, công nghệ và giá thể cho các hộ nông dân muốn trồng khoai tây trái vụ.

Tiết kiệm 30% phân bón

Trang trại LangBiang Farm cũng ứng dụng trồng dâu tây New Zealand trên giá thể và cho năng suất, chất lượng vượt trội so với trồng trên đất. Với mỗi loại cây trồng, giá thể được thay đổi tỷ lệ thành phần các chất phối trộn để phù hợp với yêu cầu sinh trưởng riêng biệt.

Hiện Đà Lạt là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu giá thể rất cao. Rau, hoa trồng trong giá thể phát triển đồng đều, sản phẩm đạt chuẩn; trồng cây trên giá thể còn dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, côn trùng, tăng độ thông thoáng dưỡng khí, giúp bộ rễ phát triển tốt và tiết kiệm được khoảng 30% lượng phân bón.

Để chủ động trong sản xuất, vợ chồng bà Tâm xây dựng nhà máy sản xuất giá thể ở xã Đạ Sar, H.Lạc Dương (Lâm Đồng) công suất 30 tấn/ngày, sẵn sàng cung cấp giá thể cho nông dân để canh tác rau hoa công nghệ cao.
 

Theo thanhnien.com.vn