Quà của đồng quê

Quà của đồng quê
Tôi sinh ra ở đồng quê, lớn lên ở đồng quê, nhận đủ mọi thứ quà quê và rồi mang hết thảy hương đồng gió nội từ quê ra phố.

Trong tôi, làng quê đẹp, yên bình, chất phác, hồn nhiên đến như nhiên. Sống ở quê mình tự trải lòng mình, mở lòng mình trước thiên hạ với một tâm thế không cần phải đắn đo, không phải giữ kẽ, giữ mình như những nơi xa bờ tre, ruộng lúa. Nơi ấy, ngày lại ngày, bờ tre lao xao gió, ríu rít tiếng chim gù. Mỗi sáng mai, chim họa mi báo sáng, râm ran tiếng gà vẫy gọi mặt trời lên. Cánh đồng chiều, khói rạ rơm mù mịt vừa thơm vừa cay, nồng nồng vị quê. Mẹ lom khom gặt hái. Cha lặn lội cày bừa. Ông cháu thả diều, tiếng sáo quyện trong mây. Đêm quê, bên bát chè xanh bốc khói, làng xóm râm ran những câu chuyện mùa màng.

Quà của đồng quê

Ảnh: Đậu Bình

Quà quê, quà của đồng quê cơ man nào là thứ, kể sao hết được trên những trang giấy khiêm tốn đặt ở bàn viết không vương chút nồng cay của vị bùn phèn nơi bàn chân đồng áng của mẹ.

Rau má - thần hộ mệnh của mấy chục triệu người! Ta nghĩ sao và nói gì nếu năm 1945, Tổ quốc này không phải là xứ sở của rau má. Người nông dân chết đói ít hơn người dân chốn thị thành, bởi người quê “tận diệt” rau má nơi bờ ao, cồn bãi để tự cứu mình, người thành thị không mò đâu ra thứ lương thực quý báu này. Rau má có sức sống mãnh liệt như con người nhà quê, ở đâu cũng sống, cũng phát triển, cũng bền bỉ, xanh tươi. Rau má là thực phẩm khi đói, là đặc sản khi no, cứu cánh buổi bần hàn của bàn dân thiên hạ, khoái khẩu trước những cỗ mâm cao lương mỹ vị, nhà sư dùng bữa ăn chay, người trần tục khi dùng bữa thịt cầy không thể thiếu!

Rau má còn là dược liệu quý không phải mua cũng không phải gieo trồng, như một nhà thơ đã viết:

Ai đó lắm bon chen đã chắc gì có được

Vị thuốc ngọn rau rừng, nơi yên nghỉ bạn bè tôi

(Những ngọn rau má quanh mồ liệt sĩ - Nguyễn Trọng Bính)

Cua đồng, dân kẻ quê nơi tôi gọi bằng cái tên dân dã là dam. Thật không ngoa khi ta nói rằng: không có rau má, không có cua đồng thì người dân mình đã lạc xa cái cõi linh hồn nơi cái thể phách mình đang gìn giữ, đang chăm chút, lo toan mỗi ngày. Nhà quê có cách ăn cua đồng mộc mạc, đó là món cua um. Cua rửa sạch cho vào nồi đất, thêm ít lá lốt thái nhỏ, thêm ít muối, không cho nước, đậy kín vung, đun nhỏ lửa, khi cua chín có màu đỏ gạch nung, mỗi con cua “ôm” lấy một ôm lá lốt, họ ăn ngang cả con, nếu con to thì tách mai ra, bẻ đôi con cua rồi ăn. Canh cua nấu với khế chua, ăn với cà pháo muối xổi. Ở thành thị, giờ đây, cua đồng lên ngôi thành đặc sản khoái khẩu để chiêu đãi nhau trong những yến tiệc sang trọng: riêu cua, cua nấu rau muống, rau dền, cải mơ, khoai sọ, rau dút, rau bợ, bún riêu, phở riêu cua...

Ốc, thì đủ thứ, thứ nào cũng ngon. Nhà nông đi tát đìa, tát vũng về thì ốc luộc có khi là cả rổ. Ốc luộc với nắm lá chanh thơm phức, chấm nước mắm gừng ngon khỏi phải nói. Hà Nội có ốc Hồ Tây, đầy quán nhậu, bún ốc đặc sản ăn sáng mỗi ngày, chiêu đãi nhau nhưng có ăn thua gì so với các món ốc dân dã nơi quê tôi do bàn tay những người nông dân chế biến theo các phương pháp tối giản và mau lẹ.

Quà của đồng quê, mùa nào thức ấy. Mùa xuân có lắm thứ rau xanh, ngọn bí ngô (người dân quê tôi gọi là đọt bù rợ), luộc hoặc xào với tỏi. Rau cải ăn sống, nấu canh, xào với thịt bò. Ngọn khoai lang thì ăn kiểu gì cũng được. Nạn đói năm 1945, ngọn khoai lang “hợp tác” với rau má cứu hàng triệu con người thoát khỏi bàn tay tử thần. Mùa hè có các loại củ, như: khoai lang, khoai sọ, khoai vạc, vừa là lương thực, vừa chế biến thành thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Tháng 10, cá rô vàng ươm, nhảy đành đạch, chế biến đơn giản bằng cách rán, hầm với khế, nấu canh rau, nấu cháo đều tạo ra những món ăn khoái khẩu..

Một dân tộc có tới 80% là nông dân, cung hiến cho dân tộc mình bao nhiêu thứ quà đồng quê quý giá. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sản phẩm công nghiệp ngày càng dồi dào, phong phú, thực phẩm công nghiệp chiếm lĩnh thị trường tưởng chừng như áp đảo thực phẩm đồng quê. Nhưng không, hãy tin quà của đồng quê trường tồn cùng dân tộc và ngày càng chiếm lĩnh thị phần trên thế giới.“Theo ông Thạch Lam, quà là những vật quý giá, sản phẩm của đồng ruộng, của núi sông, những thứ quà quý ấy là dấu hiệu sự thưởng thức của người mình, vừa tao nhã vừa chân thật”(*).

PHAN TRỌNG TẢO
Nguồn: baohaitnh.vn