Quản lý ngân sách: Tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi và tinh giản biên chế
- Thứ hai - 12/06/2017 20:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là những giải pháp căn cơ trong công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập khi giải trình về các nội dung đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, sáng ngày 12/6.
Chính sách tài khóa linh hoạt
Thời gian qua, chính sách tài khóa đã được sử dụng linh hoạt trong tình hình kinh tế khó khăn. Đặc biệt là tập trung vào những vấn đề như điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước.
Dẫn chứng về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 25% xuống 22% và phổ thông và 20%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%.
Không những thế, nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cao... cũng được ban hành để khuyến khích đầu tư.
Thuế thu nhập cá nhân cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu. Theo Bộ trưởng, các chính sách này đã làm giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách khoảng 1% GDP.
Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Tài chính đã đổi mới phương thức quản lý và hiện đại hóa các thủ tục hành chính. Tính đến nay, doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế là 99,8%, ngành thuế đã phối hợp với 42 ngân hàng thương mại thực hiện thu thuế qua mạng.
Công tác thanh tra, kiểm tra về thuế cũng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, khai man thuế. Năm 2016, ngành thuế đã kiểm tra, thanh tra 91.419 doanh nghiệp, tổng số kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước là 17.285 tỷ đồng, phạt và chi hoàn là 1.400 tỷ, giảm lỗ 7.491 tỷ, giảm khấu trừ 79 tỷ, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.942 tỷ.
Các giải pháp về quản lý, về hoàn thuế, quản lý về nợ đọng thuế cũng được ngành Tài chính triển khai quyết liệt. Nhờ đó, số thu nợ thuế hàng năm rất cao: năm 2016 thu về nợ đọng thuế là 42.000 tỷ, năm 2015 là 37.000 tỷ, 2014 là 31.000 tỷ.
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành
Giải trình về vấn đề bội chi ngân sách mà đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, những năm qua, bội chi ngân sách nhà nước đảm bảo trong số khung, số tuyệt đối mà Quốc hội phê duyệt.
Tuy nhiên, những năm gần đây, GDP không đạt được như kế hoạch dẫn đến số tương đối về nợ công, bội chi tăng nhanh. "Theo Luật Ngân sách nhà nước, khi đã không đạt chỉ tiêu tăng trưởng, để quản lý bội chi và quản lý nợ công thì phải cắt chi.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bởi vậy, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, giải pháp căn cơ để quản lý nợ công và bội chi là tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi, nhất là khoán về chi thường xuyên.
Đồng thời, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế nhằm giải quyết được về tiền lương. "Nếu biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được.” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Về việc kiểm soát chống chuyển giá, Bộ trưởng cho rằng, công tác này không chỉ là việc của ngành Thuế, cán bộ thuế mà phải có sự nỗ lực của các ngành liên quan, ngay từ khâu cấp phép, giám sát đến thực hiện đầu tư.