Quảng Bình: Bỏ việc nhà nước, phu thê về quê trồng cây dại đầy gai
- Thứ ba - 20/08/2019 04:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Người ta tưởng tôi bị khùng"
Đang là công chức, bỗng hai vợ chồng trẻ Nguyễn Thanh Bình (SN 1981) và Nguyễn Thị Giang (SN 1979) ở xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã xin nghỉ vệc về quê làm trang trại.
Chị Nguyễn Thị Giang (vợ anh Bình) đang là giáo viên mầm non còn anh Bình từng công tác tại Trại Giống lúa Đại Trạch.
Những ngày đầu, anh Bình, chị Giang trồng ổi nhưng sau vài vụ có lãi, cây bắt đầu thoái hóa và đất đai cằn cỗi dần.
Sau khi tìm hiểu kỹ về cây cà gai leo, vốn xưa được xem là cây dại nhưng với nhiều nước, cà gai leo chẳng khác nào "thần dược", anh Bình chị Giang quyết định dốc hết vốn liếng để trồng cà gai leo.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Bình và chị Nguyễn Thị Giang bên những luống cà gai leo của gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Cây cà gai leo chịu được khí hậu khắc nghiệt, đất cằn, khô hạn ở tỉnh Quảng Bình, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tôi thấy cây cà gai leo có nhiều công trình nghiên cứu nhất về tác dụng hỗ trợ chữa bệnh gan và có tiềm năng nên hai vợ chồng đã chuyển sang trồng cây dược liệu này”.
Chị Nguyễn Thị Giang với cao cà gai leo.
Năm 2015, anh Bình và chị Giang bắt đầu trồng 1 vạn cây dược liệu cà gai leo trên diện tích 5 sào. “Gia đình tôi là người đi đầu trong việc trồng cây cà gai leo ở tỉnh Quảng Bình nên buổi đầu gặp nhiều khó khăn. Từ vốn, giống cây cho tới thị trường tiêu thụ. Ngay khi bắt tay vào trồng cây cà gai leo, tôi đã áp dụng phương pháp phủ bạt nilon, nhờ cách làm này mà tiết kiệm được nhân công, chăm sóc, làm cỏ”, anh Bình tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Từ năm 2015 đến cuối năm 2017, trại cà gai leo nhà anh Bình cho thu hoạch và bán với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm lãi còn gần 150 triệu đồng.
Từ nguyên liệu thô đến sản phẩm tinh
Không dừng lại ở đó, anh Nguyễn Thanh Bình quyết tìm tòi, nghiên cứu sản xuất sản phẩm dược liệu từ cây cà gai leo để đạt hiệu quả cao hơn so với bán nguyên liệu thô. Anh mạnh dạn đặt mua dây chuyền nấu cao theo quy trình sản xuất ngành dược, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm cao cà gai leo của anh Bình, chị Giang đều có mã QR Code.
Sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình được sản xuất hoàn toàn tự nhiên theo quy trình chuỗi khép kín từ trồng nguyên liệu, nấu thành cao đến đóng gói sản phẩm, quy cách đóng gói lọ 100 gr.
Tháng 9/2018, chị Nguyễn Thị Giang đứng ra thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm với 8 thành viên. Ngoài anh chị ra, 7 thành viên là hộ dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng và cung cấp nguyên liệu cây cà gai leo (với tổng diện tích khoảng 6 ha trồng theo kiểu gối đầu vụ).
Chị Nguyễn Thị Giang nói: “Việc thành lập Hợp tác xã sẽ giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp cho người dân trong xã có thêm thu nhập từ cây cà gai leo”.
Anh Phan Đình Trung, (thành viên của Hợp tác xã này) cho biết: “Tham gia Hợp tác xã, chúng tôi được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm bón cây cà gai leo. Cây cà gai leo sau khi trồng 6 tháng cho thu hoạch, không phân bón hóa học”.
Một dây chuyền chế biến cao cà gai leo.
Tất cả các sản phẩm cao cà gai leo của Hợp tác xã đều được dán nhãn QR-code nguồn gốc sản phẩm dễ cho người tiêu dùng truy xuất.
Hiện gia đình anh Nguyễn Thanh Bình đang thu hoạch hơn 5ha cây cà gai leo. Anh Bình cho biết tới đây sẽ mở rộng thêm 5 ha. Tại vườn và nơi sản xuất cao cà gai leo của anh Bình luôn có 15 nhân công lao động thường xuyên, 20-30 nhân công lao động thời vụ với mức lương từ 4-6 triệu đồng.
Nhờ việc bán sản phẩm dược liệu cao cà gai leo, thu nhập của gia đình anh Nguyễn Thanh Bình trong năm 2018 đạt gần 600 triệu đồng. |