Quảng Bình: Phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn
- Thứ hai - 28/04/2014 06:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
CôngThương - Thời gian qua, lĩnh vực TTCN và ngành nghề nông thôn ở Quảng Bình đã có bước phát triển khá, giải quyết được nhiều việc làm, góp phần ổn định đời sống người dân, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp cho ngân sách. Nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm; một số địa phương du nhập nghề mới, hình thành các DN đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động.
Để giúp TTCN và ngành nghề nông thôn phát triển bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch và phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Tỉnh đã quy hoạch 62 CCN cho giai đoạn 2011-2020. Đến cuối năm 2013 có 10 CCN được đầu tư hạ tầng, bao gồm: CCN Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, Tân Sơn, Thị trấn Quán Hàu, Cam Liên, Cảnh Dương, Lưu Thuận và Yên Hóa. Trong đó có 2 cụm đã được đầu tư tương đối hoàn thiện và có tỷ lệ lấp đầy gần 100% là Thuận Đức và Tây Sơn. Tổng diện tích các CCN là 163 ha, trong đó diện tích dùng cho sản xuất, kinh doanh 120 ha, đã cho thuê 62 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%, thu hút 92 dự án vào các CCN với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.020 lao động.
Một trong những hoạt động quan trọng góp phần không nhỏ cho phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn ở địa phương là khuyến công. Thời gian qua, công tác khuyến công luôn được triển khai tốt. Trong năm 2013 đã triển khai hỗ trợ 33 đề án, với kinh phí 3.185 triệu đồng; trong đó khuyến công quốc gia 4 đề án, với kinh phí 1.290 triệu đồng; khuyến công địa phương có 29 đề án, kinh phí là 1.895 triệu đồng, trong đó 25 đề án hỗ trợ sản xuất, 4 đề án đào tạo nghề. Các đề án khuyến công đã góp phần tạo sự chuyển biến đối với TTCN và ngành nghề nông thôn.
Mặc dù có sự chuyển biến nhưng TTCN và ngành nghề nông thôn của tỉnh vẫn còn chậm phát triển, sản phẩm làm ra còn manh mún, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh, nhiều ngành nghề khó duy trì, công tác tư vấn phát triển công nghiệp, TTCN còn yếu… Hơn nữa, các DN của tỉnh chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính yếu…
Năm 2014, được dự báo vẫn là một năm khó khăn đối với sản xuất công nghiệp nói chung và TTCN và ngành nghề nông thôn Quảng Bình nói riêng. Để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là trong lĩnh vực TTCN và ngành nghề nông thôn, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, thúc đẩy phát triển TTCN; phối hợp với UBND các huyện tổ chức đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đăng ký thương hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm. sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công; hỗ trợ cho các DN, các tổ chức, hộ kinh doanh để khuyến khích phát triển sản xuất.
Giá trị sản xuất TTCN và ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Bình năm 2013 đạt 1.969 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2012. Các địa phương có tốc độ tăng khá như: Thành phố Đồng Hới tăng 8,8%; Quảng Trạch tăng 9,9%; Bố Trạch tăng 8,55; Quảng Ninh tăng 15%; Tuyên Hóa tăng 9,0% và Lệ Thủy tăng 9,9%.
Theo baocongthuong.com.vn