Quảng Nam: Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ rau Tết

Quảng Nam: Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ rau Tết
Ảnh hưởng của đợt lũ lớn cuối năm qua đã làm nhiều làng rau sạch ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An...(Quảng Nam) bị thiệt hại nặng nề. Song, nhờ chuẩn bị sẵn cây giống, phân bón nên ngay sau khi nước lũ rút, bà con đã xuống đồng làm đất sản xuất vụ rau Tết với nhiều loại rau phong phú và đa dạng...
Người dân làng rau Bàu Tròn tích cực sản xuất vụ rau Tết

Tại xã Đại An (Đại Lộc) có vùng chuyên canh rau Bàu Tròn với diện tích gần 50 ha, là một trong những vùng sản xuất rau chủ lực của toàn tỉnh; cung cấp nhiều loại rau sạch cho các địa phương lân cận và TP Đà Nẵng. Hiện tại, bờ bãi phù sa ven sông Thu Bồn phủ màu xanh mơn mởn của các loại cải non, bồ ngót, mồng tơi, khổ qua...

Vừa chăm sóc luống đậu cô ve trĩu trái, ông Nguyễn Văn Tư (thôn Bàu Tròn 2) cho biết, nhờ chủ động dự trữ sẵn cây con nên ngay sau lũ hơn nữa tháng, ông đã có lứa rau quả vụ Đông cung ứng ra thị trường. Hiện giá đậu cô ve, dưa leo trên thị trường dao động từ 12 - 20 ngàn đồng/kg, tuy không cao như các năm trước nhưng vẫn tạo thu nhập tốt do nông sản được mùa và thu hoạch đúng thời điểm. Đặc biệt, những ngày giáp Tết Âm lịch dự báo sức mua tăng cao, giá cả sẽ tăng lên nhiều.

"Làng rau Bàu Tròn sản xuất rau và các loại nông sản quanh năm, vụ rau Tết làm nhiều nhất, gấp 3-4 lần diện tích so với ngày thường. Ngoài rau, tôi đã trồng dưa leo, mướp, đậu... chỉ vài ngày nữa là có thể hái bán cho nhu cầu ngày Tết. Dự tính với 4 sào rau, màu thì Tết năm nay có thể thu về từ 14-15 triệu đồng, gia đình sẽ có tiền lo cho cái Tết được sung túc” - lão nông Nguyễn Văn Tư cho biết.

Nhiều làng rau sạch hy vọng một vụ rau Tết bội thu

Theo bà con, sau lũ lớn, đất đai ven sông bồi đắp phù sa nhiều nên các loại cây trồng  phát triển tốt, lại không có sâu bệnh cắn phá; cộng với giá rau tăng đã kích thích người trồng rau Đại An phấn khởi và tập trung đầu tư cho vụ rau phục vụ Tết.

Người dân làng rau vùng cát phía Đông huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn cũng đang tất bật chuẩn bị thu hoạch vụ rau Tết kịp cung ứng cho thị trường trong những ngày tới.

Ông Võ Hòa (thôn Bình Trúc 1, xã Bình Sa, Thăng Bình) cho biết, phải tận dụng từng khoảnh đất trống để trồng rau quả tạo thêm thu nhập.

"Gia đình tôi có 6 sào đất để trồng các loại cải cay, xà lách, tần ô, dưa leo…. nếu thời tiết thuận lợi thì vụ Tết này gia đình có thể thu về khoảng 15 triệu đồng” - ông Hòa cho biết.

Không chỉ tập trung mở rộng diện tích trồng rau, những năm gần đây, nông dân chuyên canh về rau còn biết tạo tâm lý cho người tiêu dùng yên tâm khi dùng các sản phẩm rau sạch, chất lượng an toàn.

Theo nhiều nông dân ở làng rau Trà Quế (TP Hội An), họ đã áp dụng phương pháp trồng rau an toàn, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu mà chỉ bón rau bằng rong vớt từ sông Đế Võng lên ủ và bón cho cây. Nhờ vậy, vựa rau Trà Quế nổi tiếng khắp vùng về việc xuất bán rau sạch và cả độ tuổi tồn tại lâu đời.

Để hạn chế và tiêu diệt sâu bệnh, khâu làm đất luôn được chú trọng là dành 3-5 ngày phơi ải đất và ủ phân chuồng; trồng rau trong nhà lưới hạn chế nắng và giảm tác động của mưa to làm dập lá rau. Điều này làm cho chất lượng, năng suất rau cao hơn so nhiều.

Thời tiết se lạnh thích ứng với nhiều loại rau phát triển tốt

Ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX Rau Đại An cho hay, để phục vụ thị trường dịp Tết năm nay, làng rau Bàu Tròn gieo trồng cả thảy 47 ha. Nhờ vậy, lượng rau cung cấp cho thị trường gấp 3-4 lần so với ngày thường. Dù nhu cầu tăng cao nhưng bà con ở đây không vì thế mà chạy theo số lượng, yếu tố an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn phải đặt lên trên hết.

“Bà con ở đây đều đồng lòng áp dụng và thực hiện tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Nam triển khai, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, an toàn cho cả người sản xuất và bảo vệ bền vững môi trường” - ông Quốc cho biết.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Phó

Nguồn tin: thanhtra.com.vn