Quảng Ngãi: Thu nhập cao và ổn định từ nuôi trùn quế

Quảng Ngãi: Thu nhập cao và ổn định từ nuôi trùn quế
Mặc dù bị mất một cánh tay, sức khỏe giảm sút, nhưng ông Lê Hồng Công, 60 tuổi ở đội 6, thôn Hưng Nhượng Bắc, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi luôn mày mò, nghiên cứu, học hỏi về kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Một trong những mô hình đang được ông triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao đó là sản xuất phân hữu cơ trùn quế, trùn quế giống và trùn quế tinh, đem lại nguồn thu nhập khá và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trên diện tích gần 700m2 đất của gia đình, ông Lê Hồng Công đã đầu tư xây dựng 3 trại nuôi trùn quế, mỗi trại trên 200m2 và 1 kho đựng phân hữu cơ để đóng gói xuất bán. Chúng tôi đến trang trại sản xuất trùn quế của ông vào những ngày cuối tháng 9. Vừa cho phân trùn quế vào bao để xuất bán, ông Lê Hồng Công vừa cho chúng tôi biết: “Bắt đầu thực hiện mô hình này từ năm 2013 với suy nghĩ lượng phân chuồng của đàn gia súc ở địa phương rất dồi dào và rẻ. Trong khi đó phân trùn quế và trùn quế tinh là loại phân có dinh dưỡng cao trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trùn quế là thức ăn bổ dưỡng cho các loại vật nuôi như ba ba, ếch…”.

Qua 6 năm triển khai mô hình, đối với ông Lê Hồng Công thì việc nuôi trùn quế rất cần thực hiện tốt các kỹ thuật cơ bản về thức ăn, độ ẩm, chuồng trại… Chú ý chuồng trại luôn được vệ sinh sạch và được che mát thường xuyên, không để mưa dột hoặc nắng nóng. Để sản xuất phân trùn quế, ông đầu tư mua 1 máy đánh phân chuồng làm thức ăn cho trùn. Thức ăn luôn được xay nhuyễn, không lẫn tạp chất, không có vật cứng. Phân bò được xay nhuyễn là thành phần tốt nhất để ủ làm chất nền cho trùn quế sinh sôi nảy nở. Độ ẩm phân trùn quế tốt nhất đạt 50%, khi nắm bóp sinh khối không ra nước, khi mở tay ra các cục sinh khối không vỡ thành bột. Trùn quế càng ở trong bóng tối càng sinh sản tốt. Trùn đạt chất lượng cao khi trùn có màu đỏ, mập mạp, mật độ đạt 1 kg trùn/m2. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư hệ thống phun sương để giữ ẩm cho chuồng trại, chuồng trại được tưới nước thường xuyên, giữ nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, nhờ đó trùn sinh trưởng phát triển nhanh. “Cứ 1 tháng thu hoạch 1 lần gồm 5 tấn phân trùn quế với giá 5.000 đồng/kg và 600 kg trùn quế tươi với giá bán 50.000 đồng/kg. Như vậy cả phân trùn quế và trùn quế tươi, mỗi tháng thu về 50 triệu đồng, trừ chi phí nguyên liệu, công lao động, gia đình còn lãi khoảng 30 triệu đồng”- ông Công chia sẻ thêm. Ngoài ra, ông còn cung cấp trùn giống cho các trại sản xuất với giá 25.000 đồng/kg, có ngày ông bán được hàng chục kg giống. Đầu ra cho các sản phẩm trùn quế, phân trùn quế, trùn quế giống rất dồi dào, chủ yếu là các trang trại, gia trại sản xuất, nuôi trồng trong và ngoài địa phương.

 

Ông Lê Hồng Công bên trại nuôi trùn quế của gia đình

 

Hiện nay, mô hình sản xuất phân trùn quế và trùn quế tươi của ông Lê Hồng Công không đủ cung cấp cho khách hàng, vì vậy ông đang cải tạo 250m2 để mở rộng trại sản xuất, dự kiến, mỗi tháng ông Công sẽ bán ra thị trường 7,5 tấn phân trùn quế, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho bà con xung quanh.

Thu Phượng- Kim Cúc

Đài PTTH huyện Sơn Tịnh- Quảng Ngãi/ Nông nghiệp