Quảng Trị: Bám biển để làm giàu

Quảng Trị: Bám biển để làm giàu
Là một xã ngư nghiệp thuần túy, Trung Giang (Gio Linh) có bờ biển dài trên 7 km, lại nằm ở vùng cửa lạch Cửa Tùng thuận lợi cho việc neo đậu và phát triển nghề biển.

Trung Giang hiện có 5 thôn, trong đó 3 thôn ở bãi ngang và 2 thôn ở cửa lạch nên việc phát triển ngành nghề để khai thác và đánh bắt thủy hải sản cũng khác nhau. Nếu 2 thôn Nam Sơn và Bắc Sơn có cửa lạch thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu, ngư dân ở đây chú trọng đầu tư đóng mới tàu thuyền lớn để ra khơi, đi xa bám biển dài ngày, thì 3 thôn bãi ngang là Thủy Bạn, Cang Gián, Hà Lợi Trung chủ yếu sử dụng thuyền trung bờ, gần bờ và thuyền thúng để đánh bắt hải sản, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

 quang tri: bam bien de lam giau hinh anh 1

Ngư dân Trung Giang chuẩn bị ra khơi

Vậy nên so với các xã vùng biển khác, Trung Giang vẫn là địa phương có thế mạnh về khai thác đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng để khai thác hết tiềm năng thế mạnh này ngư dân Trung Giang hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Thế Hiển, Trưởng thôn Hà Lợi Trung, một địa bàn bãi ngang của xã Trung Giang giải bày: “Khó khăn đầu tiên đó là ở xa ngư trường giàu tiềm năng, nhiều loại cá. Nếu chỉ đánh bắt ven bờ thì môi trường cạn kiệt, ngư dân muốn đánh bắt xa bờ nhưng phương tiện, thiết bị khai thác chưa đáp ứng được. Muốn có thuyền to, máy lớn, ngư lưới cụ hiện đại thì phải có vốn. Nhưng để vay được đồng vốn từ ngân hàng thì không phải chuyện đơn giản.

Mặt khác Trung Giang cũng là vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, vì vậy nghề cá ở đây vốn dĩ đã khó lại càng khó khăn hơn”. Muốn tìm ra giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, từ nhiều năm qua Trung Giang đã có chủ trương phát huy mọi nguồn lực để đầu tư cho khai thác đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy hải sản. Trước hết là ưu tiên đầu tư về khoa học, kỹ thuật và xác định rõ mục tiêu biển là hướng làm giàu cần được đầu tư khai thác. Với cách làm này, Trung Giang không chỉ cải tiến và nâng cao tư liệu sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất và còn giải phóng được lực lượng sản xuất, động viên kích thích mọi thành phần kinh tế, mỗi một hộ gia đình mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề.

Toàn xã đã có 224 tàu thuyền các loại với tổng công suất 3.782 sức ngựa. Tổng sản lượng đánh bắt hàng năm đạt khoảng 2.000 đến 2.700 tấn. Nhờ đầu tư đúng hướng và không ngừng hiện đại hóa phương tiện thuyền nghề, nên sản lượng hải sản đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản hàng năm đã tăng. Cùng với việc mở rộng ngư trường, đầu tư mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để ra khơi đi xa, bám biển dài ngày, Trung Giang cũng chú trọng phát triển nghề gần bờ, nghề truyền thống, nhất là đầu tư cho nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá đối nục. Sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 130 tấn, cá đạt 5 tấn.

Nhờ kết hợp một cách hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa khai thác và nuôi trồng mà sản lượng thủy hải sản tăng, nhưng vẫn giữ được môi trường sinh thái. Với cách làm này, Trung Giang đã thành công bước đầu trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Đã bao đời nay, hình ảnh ngư dân vùng biển Trung Giang với chiếc thuyền nan nhỏ bé quanh quẩn ven bờ đánh bắt hải sản, 6 tháng làm, 6 tháng nghỉ, thu nhập phụ thuộc vào thời tiết nên nghèo đói cứ đeo bám mãi. Vì vậy, mục tiêu mở rộng ngư trường, vượt sóng đại dương hướng ra Biển Đông là ước mơ, khát vọng của người dân Trung Giang.

Đặc biệt sau khi nhận tiền hỗ trợ đền bù về sự cố môi trường biển do Fosmosa gây ra, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua máy đẩy, máy đèn và các phương tiện khai thác đánh bắt hiện đại khác để hướng ra Biển Đông vừa khai thác đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên vấn đề cải tiến ngư cụ, mở rộng ngư trường là một “bài toán” không hề dễ dàng, nhưng với sự chỉ đạo sát đúng và hiệu quả của Đảng bộ và chính quyền địa phương cùng sự đồng tâm, hiệp lực của ngư dân, bây giờ Trung Giang đã có một “đáp số” đầy thuyết phục. Giá trị hải sản đánh bắt chiếm 57,6% trong tổng thu ngân sách, giá trị nuôi trồng chiếm 19,5% trong ngư nghiệp.

Cùng với việc đầu tư phát triển tàu thuyền có công suất lớn để ra khơi, đi xa, đi dài ngày trên biển theo Nghị định 67 của Chính phủ, Trung Giang còn chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về khoa học- kỹ thuật cho lao động, kể cả lao động trên biển và trong bờ...Đồng thời vận động ngư dân chú trọng phát triển nghề truyền thống, nghề khai thác gần bờ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng ven bờ và tận dụng lao động nhàn rỗi theo mùa vụ. Đó chính là hướng đi, là lối mở để Trung Giang vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu từ biển.

 
Theo Tân Nguyên (Báo Quảng Trị)