Quảng Trị: Trồng dưa lưới Nhật Bản

Quảng Trị: Trồng dưa lưới Nhật Bản
Anh Dương Quốc Vinh ở thôn Cang Gián, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là chủ nhóm nông dân trồng dưa lưới đến nông trại sớm hơn mọi ngày. Gọi là nông trại song thực ra đây là mô hình trồng dưa lưới trên cát theo công nghệ cao của Nhật Bản.
08-08-01_du_luoi_qt
Anh Dương Quốc Vinh (phải) tại nông trại dưa lưới ở xã Trung Giang

Anh Vinh cho biết, để tạo ra một quả dưa lưới đạt chuẩn nhập vào các siêu thị cao cấp và xuất khẩu bắt buộc phải kiểm soát được ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Do đó nông trại của anh Vinh trồng dưa lưới trong nhà kính.

Việc đầu tiên anh bước chân vào khu nhà kính là kiểm tra nhiệt độ. Dưa lưới phát triển tốt ở nhiệt độ bình quân trong ngày khoảng 28 - 30 độ C, nhưng có thể chịu được nhiệt lên đến 37 độ C. Do chuẩn bị thu hoạch dưa nên hệ thống tưới được điều chỉnh ở chế độ thấp nhất để đảm bảo cho các chất dinh dưỡng của cây tập trung vào trái ngọt.

Ăn miếng dưa lưới vừa được anh Vinh hái bổ mời khách tôi cảm nhận được thịt dưa mềm và có vị ngọt thanh, đặc biệt mùi rất thơm. Anh Vinh chia sẻ để có được quả dưa lưới đạt chất lượng, ban đầu hạt giống sẽ được ươm trong giá thể khoảng 10 ngày, sau đó đem trồng khoảng 75 ngày thì đến thời kỳ thu hoạch. Nhờ sử dụng hệ thống nhà kính nên mỗi năm anh Vinh có thể trồng được 3 vụ. Thông thường mỗi cây dưa cho 2 - 3 quả nhưng những quả non xấu sẽ được cắt để dành tất cả mọi dưỡng chất của cây tập trung cho quả ngon duy nhất được giữ lại. Quả dưa lưới chất lượng không chỉ thơm, ngọt mà phải đẹp, vân vỏ phải đều, rõ.

Nông trại dưa lưới của anh Vinh được đánh giá đạt năng suất, chất lượng vượt trội. Hầu hết sản lượng dưa lưới của anh Vinh được bán cho siêu thị Utimex Hà Nội vì họ đã ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn với giá hơn 50 ngàn đồng/kg.

Để có được nông trại dưới lưới công nghệ cao này, trước đó vào cuối năm 2017, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Gio Linh, UBND xã Trung Giang, Cty TNHH Sumitomo Việt Nam và Cty TNHH Seibu Nousan Việt Nam triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản tại thôn Cang Gián.Gia đình anh Vinh được chọn trưởng nhóm hộ thực hiện mô hình mới này.

Sau khi tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nhóm hộ trồng dưa lưới tại địa phương, các đơn vị xây dựng 2 nhà kính có tổng diện tích 500m2. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó tập đoàn Sumitomo Corporation hỗ trợ gần 1 tỷ đồng.

Mô hình đã sử dụng giá thể bằng đất cát, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, dinh dưỡng được pha chế và đưa vào cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo cho các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Mặc dù trồng trong thời tiết và khí hậu đất cát nhưng cây sinh trưởng và phát triển tốt, đã cho ra quả, trọng lượng mỗi quả bình quân từ 1,5 - 2,5kg.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đích thân kiểm tra nông trại dưa lưới của anh Vinh. Ông Chính đánh giá cao kết quả bước đầu mô hình mang lại và mong muốn Tập đoàn Sumitomo Corporation tiếp tục có sự hỗ trợ để thực hiện mô hình này tốt hơn nữa; đồng thời giúp địa phương tìm thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu...

Giáo sư Yoshiharu Tsuboi, cố vấn Tập đoàn Sumitomo Corporation đánh giá đất cát ở Quảng Trị rất sạch nên mới có thể sử dụng kỹ thuật của Nhật Bản triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới. Kết quả ban đầu cho thấy, cây dưa lưới phát triển tốt, chất lượng quả đảm bảo. Vì thế ông kỳ vọng dưa lưới Quảng Trị không chỉ đến với thị trường trong nước mà có thể vươn ra thị trường quốc tế.
LÂM QUANG HUY/ Nông nghiệp