Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở Bắc Trung Bộ

Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở Bắc Trung Bộ
Tỉnh Quảng Trị đang thu hút nhiều dự án đầu tư vào năng lượng với quy mô lớn. Ðây là lĩnh vực tỉnh có thế mạnh và ưu tiên thu hút đầu tư. Mục tiêu của Quảng Trị là trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Bắc Trung Bộ.

Ở Khu kinh tế ven biển Ðông Nam, tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị mặt bằng để năm 2019 khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 do Công ty Ðiện lực quốc tế Thái-lan đầu tư với số vốn hơn 55.000 tỷ đồng, tổng công suất 1.320 MW. Dự kiến, tổ máy số một của dự án sẽ vận hành vào cuối năm 2023. Cũng tại Khu kinh tế ven biển Ðông Nam, Tập đoàn Ðiện lực miền Tây Hàn Quốc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 với công suất và số vốn đầu tư tương tự như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, hai nhà máy sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nhà máy điện khí với công suất 340 MW cũng đang được xem xét đầu tư.

Quảng Trị đã thu hút được 14 dự án thủy điện, trong đó, tám dự án đã hoàn thành, sáu dự án đang đầu tư xây dựng. Về điện gió, tỉnh có một nhà máy đi vào vận hành, bốn nhà máy đang triển khai đầu tư và 10 dự án đang khảo sát. Ngoài ra, tỉnh có 10 dự án điện mặt trời, trong đó, một dự án đang triển khai. Ðến tháng 9-2018, tổng công suất của các dự án năng lượng đầu tư vào Quảng Trị lên đến 5.000 MW.

* Tây Ninh đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh Tây Ninh đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước và người dân đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh quy hoạch 18 vùng, sáu điểm sản xuất với tổng diện tích 17.196 ha đất để định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với các sản phẩm gồm: bưởi, nhãn, xoài, mít, chuối, sầu riêng, chôm chôm, thanh long; hoa lan cắt cành, nấm, rau, củ, quả hữu cơ; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhà máy chế biến rau, củ quả, gia súc, gia cầm... Trong tổng diện tích quy hoạch trên có hơn 8.000 ha đất Nhà nước đang quản lý được chuyển đổi từ cây cao-su kém hiệu quả để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này.

Từ nay đến năm 2025 tỉnh Tây Ninh có kế hoạch đầu tư khoảng hơn 3.500 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng hệ thống công trình thủy lợi. Tỉnh đã khởi công xây dựng hệ thống kênh từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Ðông dẫn nước về phục vụ tưới thêm cho hai huyện biên giới Bến Cầu và Châu Thành. Các dự án trồng một trong các loại cây mãng cầu (na), chuối, dứa, bưởi, xoài (hơn 20 ha/dự án); sản xuất rau, củ, quả thực phẩm an toàn (10 ha trở lên/dự án); sơ chế, bảo quản rau, củ, quả thực phẩm an toàn (20 tấn sản phẩm trở lên/ngày); có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, bảo đảm môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; sử dụng ít nhất 30% số người lao động tại địa phương sẽ được hỗ trợ trực tiếp 20% kinh phí (không quá một tỷ đồng/dự án).

Các dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (công suất thấp nhất 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm/ngày đêm) sẽ được hỗ trợ 30% chi phí (không quá ba tỷ đồng/dự án). Ðối với hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% trong năm thứ hai cho chi phí thực tế thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật...

PV và TTXVN