Quảng Trị triển khai mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP
- Thứ năm - 11/07/2019 05:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lúa chất lượng cao ở Quảng Trị đang dần khẳng định vị thế của mình. Ảnh: Tiến Nhất
Căn cứ quyết định của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã ban hàng kế hoạch số 4565/KH-UBND về triển khai “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020”.
Theo số liệu điều tra, khảo sát, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh và hơn 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, tỉnh có nhiều sản phẩm có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu…
Dù có tiềm năng, thế mạnh như vậy nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm chưa được xây dựng nhãn hiệu… nên thường gặp hạn chế, khó khăn khi kết nối với thị trường tiêu thụ.
Vì vậy, việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm cần được đẩy mạnh nhằm hướng đến sản xuất với quy mô lớn hơn; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành thương hiệu để việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Quảng Trị cho biết, thực hiện chương trình OCOP là công tác trọng tâm của tỉnh này. Ảnh: Ngọc Vũ
Để làm được việc đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đang tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.
Theo ông Hưng, sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị được dày công xây dựng thương hiệu bấy lâu nay bước đầu đã có tên tuổi, chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị mong muốn thông qua chương trình OCOP này sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác mang thương hiệu Quảng Trị trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng, giúp nông dân tăng thu nhập.
Chương trình một xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg với mục tiêu phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các làng nghề, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị. Đây chính là động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn, là chương trình trọng tâm góp phần rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. |