Quy định chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ ba Tổng cục thuộc Bộ NN&PTNT

Quy định chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ ba Tổng cục thuộc Bộ NN&PTNT
hủ tướng vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ba Tổng cục: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Tổng cục Lâm nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Theo Quyết định này, Tổng cục Lâm nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái rừng trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về lâm nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật…

Về cơ chế tổ chức, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp có 15 đơn vị. Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp có 9 tổ chức giúp việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Bảo tồn thiên nhiên; Vụ Phát triển rừng; Vụ Quản lý sản xuất Lâm nghiệp; Văn phòng Tổng cục; Cục Kiểm lâm (có các Chi cục Kiểm lâm: Vùng I, II, III, IV); Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (có đại diện CITES phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, Tổng cục có 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gồm: Vườn quốc gia Tam Đảo; Vườn quốc gia Ba Vì; Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Bạch Mã; Vườn quốc gia Cát Tiên; Vườn quốc gia YokDon. (Theo quy định cũ tại Quyết định 04/2010/QĐ-TTg thì Tổng cục Lâm nghiệp có 7 đơn vị sự nghiệp gồm 6 Vườn quốc gia kể trên và Viện Điều tra, Quy hoạch rừng).

Tổng cục Lâm nghiệp có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi

Theo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thủy lợi có 11 đơn vị, gồm: 1- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 2- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Pháp chế, Thanh tra; 4- Vụ Quản lý xây dựng cơ bản; 5- Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn; 6- Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập; 7- Vụ Quản lý đê điều; 8- Văn phòng Tổng cục (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 9- Cục Phòng, chống thiên tai (có Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên và Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam); 10- Trung tâm Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; 11- Trung tâm tư vấn và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi.

Tổng cục Thủy lợi có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng.

Quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản 

Theo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về thủy sản theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thủy sản có 11 đơn vị, gồm: 1- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 2- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Pháp chế, Thanh tra; 4- Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản; 5- Vụ Nuôi trồng thủy sản; 6- Vụ Khai thác thủy sản; 7- Văn phòng Tổng cục (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 8- Cục Kiểm ngư (có các Chi cục Kiểm ngư vùng); 9- Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; 10- Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản; 11- Trung tâm Thông tin thủy sản.

Tổng cục Thủy sản có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ