Quy định mới về quỹ tín dụng nhân dân
- Thứ tư - 15/04/2015 23:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Theo đó, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn (gọi chung là xã). Địa bàn hoạt động liên xã của QTDND phải là các xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng một quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống.
Thông tư quy định, vốn điều lệ của QTDND là tổng số vốn do các thành viên góp và được ghi vào Điều lệ QTDND, hạch toán bằng đồng Việt Nam. Thành viên không được dùng vốn ủy thác, vốn vay dưới bất cứ hình thức nào để góp vốn vào quỹ tín dụng nhân dân và phải cam kết, chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp.
Cho vay nhằm tương trợ giữa các thành viên
Về hoạt động của QTDND, Thông tư nêu rõ, QTDND được huy động vốn từ các hoạt động như: Nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, tổ chức, cá nhân khác bằng đồng Việt Nam; Vay vốn điều hòa theo quy chế do Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ban hành theo quy định của pháp luật; Vay vốn của tổ chức tín dụng khác (trừ QTDND khác), tổ chức tài chính khác; Vay vốn từ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; Tiếp nhận vốn ủy thác cho vay của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước.
Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND.
Thông tư cũng quy định, hoạt động cho vay của QTDND chủ yếu nhằm mục đích tương trợ giữa các thành viên để thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của các thành viên QTDND.
QTDND cho vay bằng đồng Việt Nam, theo quy định của pháp luật về việc cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. QTDND không được cho vay bảo đảm bằng Sổ góp vốn của thành viên.
Tổng mức cho vay của QTDND đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại QTDND tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của tiền gửi.
QTDND cho vay đối với khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên, có tiền gửi tại QTDND trên cơ sở bảo đảm bằng sổ tiền gửi do chính QTDND phát hành. Tổng số tiền cho vay không được vượt quá số dư của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của sổ tiền gửi.
Bên cạnh đó, QTDND cho vay các hộ nghèo không phải là thành viên, đăng ký hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của QTDND. Hộ nghèo phải nằm trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp huyện phê duyệt. Quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay hộ nghèo thực hiện theo chế độ tín dụng hiện hành áp dụng đối với thành viên.
QTDND phải báo cáo Đại hội thành viên các khoản cho vay đối với Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên khác Ban kiểm soát, Giám đốc của QTDND phát sinh trước thời điểm họp Đại hội thành viên; báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khi phát sinh các khoản cho vay đối với các đối tượng này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015.
Theo baodientu.chinhphu.vn