Quy hoạch nào giải quyết việc làm cho nông dân?

Quy hoạch nào giải quyết việc làm cho nông dân?
Theo xu hướng phát triển KCN, khu chế xuất được quy hoạch và xây dựng trong vùng sản xuất nông nghiệp, sẽ không thể tránh khỏi thu hẹp dần diện tích sản xuất nông nghiệp; vấn đề là phải làm sao cùng với phát triển công nghiệp song vẫn bảo đảm phát triển nông nghiệp, đặc biệt tạo nhiều việc làm phù hợp cho người nông dân.

Khi công nghiệp về…

Mỹ Hào là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Hưng Yên, có quốc lộ 5A chạy qua, có khu công nghiệp (KCN) Phố Nối A và B đang được đầu tư phát triển mạnh. Đây là KCN quan trọng nằm giữa trục kinh tế Hà Nội – Hải Phòng. Vốn là một huyện thuần nông nên lực lượng lao động nông nghiệp cách đây chưa xa lắm chiếm hơn 80% dân số. Và đến nay, KCN Phố Nối đã vào giai đoạn phát triển mạnh, tiếp tục có nhiều dự án đầu tư, thu hồi đất nông nghiệp thì nông dân trong vùng cũng bắt đầu có thêm nhiều trăn trở mới.


KCN không nên lấy diện tích lúa 2 vụ của dân

Ông Ngô Đông, Phó phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Hào – người đã hơn 20 năm gắn bó với bà con nông dân cho biết, hiện nay diện tích đất thuộc KCN chiếm gần 500ha, phần lớn vẫn là diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 4.100ha trên toàn huyện. Trong quy hoạch giai đoạn II, giai đoạn III thì KCN Phố Nối sẽ còn được mở rộng hơn nữa. Hiện tại diện tích đất nông nghiệp còn ít nhất là ở thị trấn Bần Yên Nhân và xã Dị Sử.

Chủ tịch UBND thị trấn Bần-Yên Nhân Nguyễn Đình Bách bày tỏ: “Dân số hiện nay của toàn thị trấn khoảng trên 12.000 người. Hầu hết diện tích đất đã nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp, chỉ còn hơn 10ha đất nông nghiệp. Nhìn vào cơ cấu kinh tế của địa phương, dễ dàng nhận ra tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm và sẽ còn giảm nhiều ở những năm sau...”.

Hỏi thăm các bác nông dân việc đồng áng, nhận lại không ít tiếng thở dài: Lại mới nhượng thêm đất cho công ty, chẳng biết rồi đây chúng tôi sẽ phải đi đâu, làm gì nữa? Bác Đặng Trung Trực ở thôn Văn Nhuế, thị trấn Bần Yên Nhân, năm nay đã gần sáu mươi tuổi băn khoăn: “Thanh niên thì còn có thể ra thành phố hoặc vào nhà máy làm việc, chứ như chúng tôi đều cỡ 40, 50 tuổi cả rồi thì công ty nào họ chịu nhận. Thôi thì còn mảnh ruộng nào vẫn cứ cấy lúa, quanh quẩn việc nhà rồi liệu sau vậy”.

Tuy nhiên đây là khu vực nằm sát quốc lộ 5A được quy hoạch KCN, còn một số xã khác của Mỹ Hào không gặp khó khăn về quỹ đất nhưng lại đang “có vấn đề” về lực lượng lao động nông nghiệp. Hầu hết các thanh niên đều đi làm công nhân cho các công ty. Mỗi khi mùa vụ, nhiều gia đình lại ngược xuôi tìm thuê thợ gặt thợ cấy, có khi tiền công lên đến hơn 200.000đ/ngày mà vẫn không thuê được người làm.

…nông dân đi đâu?

Được hỏi chính quyền đã có những biện pháp gì hỗ trợ bà con nông dân KCN, ông Ngô Đông chia sẻ, Phòng Nông nghiệp huyện đang triển khai thí điểm mô hình rau sạch tại xã Cẩm Xá (cùng với Nhân Hòa, Cẩm Xá là xã đang được thí điểm thực hiện chương trình nông thôn mới). Bà con đã làm được hai vụ nhưng vẫn còn phải theo dõi xem hiệu quả thế nào.

Xã Cẩm Xá với dân số gần 1 vạn dân, trước kia diện tích đất nông nghiệp có 488ha, nay giảm xuống còn 450ha. Trước mắt bà con nông dân nơi đây vẫn khá lạc quan về quỹ đất canh tác của mình, hầu như vẫn muốn được tiếp tục làm ruộng. Chúng tôi tìm về khu rau sạch, theo chỉ dẫn của ông Ngô Đông, được bà con ở đây cho biết, mới chỉ triển khai được hai vụ, năng suất khá, bà con phấn khởi nhưng do không có hỗ trợ về đầu ra nên không cạnh tranh được với thị trường.

Đây không chỉ là lo lắng của nhiều người dân Mỹ Hào mà cũng là nỗi lo chung của nhà nông ở cạnh các KCN. Được biết, một vài địa phương cũng đã có những hành động cụ thể nhằm giải quyết việc làm cho người dân nhưng hiệu quả thì chưa được là bao, vẫn chỉ dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ.

Vì thế, vai trò của các nhà quản lý, các nhà quy hoạch những KCN là rất quan trọng. Không chỉ quan tâm đến việc thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước, mà cần chú ý giải quyết việc làm cho nông dân địa phương.

Trong quá trình nghiên cứu triển khai mô hình nông trại tập trung này, cũng cần phải tính đến giải pháp khống chế nạn đầu cơ tích trữ ruộng đất về tay tư nhân. Xem xét, giao vai trò quản lý cho các hợp tác xã (HTX), còn chủ sở hữu vẫn là từng hộ gia đình được nhà nước giao đất và có diện tích nằm trong khu vực quy hoạch nông trại.

Vấn đề đặt ra không chỉ riêng cho sự phát triển kinh tế ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), mà đây cũng là thực trạng ở nhiều KCN, khu chế xuất được quy hoạch và xây dựng trong vùng sản xuất nông nghiệp. Theo xu hướng phát triển, sẽ không thể tránh khỏi thu hẹp dần diện tích sản xuất nông nghiệp; vấn đề là phải làm sao cùng với phát triển công nghiệp song vẫn bảo đảm phát triển nông nghiệp, đặc biệt tạo nhiều việc làm phù hợp cho người nông dân.

Như vậy, không chỉ vấn đề quy hoạch nông trại với quy mô lớn - nói rộng ra - công tác quy hoạch nông thôn mới một khi được làm tốt, xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học trên cơ sở nắm bắt khả năng, nguyện vọng của người dân thì vừa bảo đảm phát triển công nghiệp, đồng thời giải quyết được việc làm cho người nông dân, khi diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư vì sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

Bài và ảnh Khúc Hồng Thiện
Nguồn thoibaonganhang.vn