Quỹ khuyến nông, một 'đặc sản' của Hà Nội
- Thứ ba - 22/08/2017 23:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
15 năm ân tình
Được thành lập từ năm 2002, hoạt động với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận mà bảo toàn vốn và cho vay đúng đối tượng, 15 năm qua Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã trở thành một kênh tài chính ưu đãi giúp các chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với mức phí thấp (0,5%/tháng) để sản xuất hàng hóa tập trung.
Hội nghị Tổng kết 15 năm hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội diễn ra vào sáng 17/8 |
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30/6/2017, quỹ đã giải ngân cho 3.095 lượt hộ vay, với số vốn quay vòng là hơn 507 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn, góp phần thúc đẩy tích tụ ruộng đất, nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung.
Dù có nhiều thời điểm khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thậm chí có giai đoạn thua lỗ như chăn nuôi hai năm 2016 và 2017 nhưng nhờ làm tốt khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nên tỷ lệ nợ quá hạn của quỹ đến thời điểm 30/6/2017 chỉ có 20 hộ với số tiền 3,771 tỷ đồng, chiếm 2,16%.
Chia sẻ về thời gian đầu hoạt động, bà Hương nhớ lại, lúc bấy giờ, quỹ chỉ có hai đối tượng được vay vốn là hộ nông dân và chủ trang trại. Sau 5 năm hoạt động để phù hợp với thực tiễn quỹ bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là HTX, DN vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản, có địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.
Trải qua 15 năm, với các phương án vay vốn linh hoạt, quỹ đã ngày càng khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trên địa bàn quận, huyện Hà Nội. Không chỉ vậy, quỹ đã tạo ra được nhiều mô hình điểm thu hút đông đảo cán bộ khuyến nông, nhân dân các vùng tới tham quan học hỏi với trên 2.500 lượt khách.
Đại diện cho các hộ vay vốn ở quận Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm được tham dự và phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Vân tâm sự: Ban đầu, trang trại trồng bưởi Diễn của gia đình ông chỉ khoảng 3.000m2, gặp rất nhiều khó khăn do thiếu giống, kỹ thuật và nhất là vốn... Thời điểm đó lãi suất cho vay của các ngân hàng rất cao, liên tục biến động, có lúc lãi lên đến 15 - 17%/năm, trong khi đó cây trồng bị nhiễm sâu bệnh, chi phí sản xuất cao nên doanh thu đạt 350 triệu đồng mà lãi chỉ 40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hồng Vân, đại diện các hộ vay vốn quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm trình bày tham luận tại hội nghị |
Năm 2010, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội gia đình ông vay 200 triệu đồng với mức phí quản lí ưu đãi là 0,5%/tháng, thời gian trong 2 năm. Nhờ sự hỗ trợ và tư vấn, sau 2 năm vay gia đình ông đã có thu nhập khấm khá và đã hoàn trả cả gốc lẫn quản lý đầy đủ.
Đến năm 2015, để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, gia đình ông vay lần hai với số tiền 300 triệu đồng với hướng đi mới là trồng bưởi cảnh trong chậu. Để đến nay trang trại của gia đình ông đã có diện tích canh tác 11.760m2 với 500 cây bưởi trên 10 năm tuổi, 1.000 cây dưới 10 năm tuổi, 10.000 cây giống và 200 cây trồng trong chậu. Doanh thu đạt khoảng 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận thu về mỗi năm đạt 500 triệu đồng.
Không những thế, mấy năm gần đây, gia đình ông còn được nhiều hộ trên địa bàn và các tỉnh khác tới tham quan học hỏi kinh nghiệm phát triển cây bưởi Diễn.
Giá trị về mặt kinh tế và hiệu quả xã hội thông qua giải quyết việc làm cho gần 1 vạn lao động nông thôn đã trực tiếp khẳng định tính đúng đắn của việc thành lập quỹ khuyến nông của UBND TP Hà Nội, cũng như công tác quản lý điều hành có trách nhiệm và năng lực của Trung tâm Khuyến nông. |
Đánh giá về quỹ khuyến nông, ông Vân không khỏi tâm đắc: “Tôi thấy việc vay vốn quỹ khuyến nông rất ưu đãi và có thời gian ổn định, còn được cán bộ khuyến nông tư vấn về khoa học kỹ thuật, thông tin giá cả thị trường. Thay mặt người nông dân tôi cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ được cho vay vốn với số tiền nhiều hơn và thời gian dài hơn, được tập huấn kỹ lưỡng hơn để đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Hướng phát triển mới
Ghi nhận kết quả trên, bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động của quỹ khuyến nông; có sự điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ và quan trọng hơn là để ngày càng có nhiều hộ nông dân, chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn phát triển...
Cùng chung đánh giá và nhất trí với một số đề nghị của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhấn mạnh: Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Thủ đô thường xuyên đối diện với thiên tai, dịch bệnh, cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển trong xu thế hiện nay, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn quỹ khuyến nông.
Bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tặng hoa chúc mừng |
Trong quá trình giải ngân, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao; phát triển và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh có quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch… nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ cho vay đối với nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo, chứ không chỉ tập trung cho vay đối với những hộ nông dân, chủ trang trại có tiềm lực, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ nguồn vốn quỹ.
Ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển của Trung tâm khuyến nông Hà Nội trong thời gian tới |
Trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác khuyến nông giai đoạn 2002 - 2017 |
Với những thành tích đã đạt được, nhân hội nghị 15 năm thành lập quỹ, đại diện Bộ NN-PTNT đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng NN-PTNT cho 4 tập thể và 7 cá nhân; Bằng khen của UBND TP cho 5 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến nông giai đoạn 2002 - 2017. |