Rào cản xuất khẩu nông sản Việt
- Thứ năm - 01/03/2018 19:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một nước nông nghiệp được biết đến với nhiều sản phẩm nông sản, trái cây chế biến xuất khẩu được bạn hàng quốc tế ưa chuộng, ngoài công nghệ sấy chân không, sấy dẻo, vừa qua CTCP Vinamit (Vinamit) đã đầu tư thêm công nghệ sấy lạnh để cho ra đời những sản phẩm đã qua chế biến như xoài, chuối, bơ, sầu riêng... luôn giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên, hạn chế tối đa thất thoát dinh dưỡng (khoảng 5%) để phục vụ người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu “khó tính” như Nhật, Mỹ và châu Âu.
Nhờ công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, sản phẩm làm ra đã thu về giá trị gia tăng cao |
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit, với những công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại mặc dù DN phải đầu tư khá tốn kém nhưng bù lại sản phẩm làm ra sẽ thu về giá trị gia tăng cao bởi đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, không bị thất thoát, giảm chất lượng sau thu hoạch.
Hiện nay, 60 - 70% sản phẩm trái cây tinh chế bằng công nghệ xử lý khép kín, hiện đại của Vinamit đã và đang phục vụ thị trường xuất khẩu, đem lại giá trị, lợi nhuận cao cho công ty.
Tương tự, Giám đốc CTCP Kinh tế Duyên hải (Cofidec) - DN có doanh thu hàng năm từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản tinh chế đạt trên 10 triệu USD/năm từng chia sẻ với phóng viên TBNH về “bí kíp” thành công khi đem những sản phẩm nông sản dân dã của Việt Nam như trái cà tím, đậu bắp, ớt chuông... đã qua chế biến xuất khẩu đi nước ngoài không chỉ giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, thành phẩm lâu hơn vì đã qua xử lý qua nhiệt độ, ép chân không với các công nghệ kỹ thuật cao, mà quan trọng hơn còn thu về giá trị cao hơn nhiều lần so với đem xuất thô trái cây, rau quả tươi.
Đơn cử như 1 kg cà tím khi thu mua có giá khoảng 20 – 30 ngàn đồng/kg, nhưng sau khi đã qua chế biến thành phẩm bán sang thị trường các nước có thể lên đến vài chục USD/sản phẩm.
Câu chuyện của Vinamit hay Cofidec là hướng đi phù hợp cho nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, không phải DN nông sản trong nước nào cũng làm tốt khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Theo ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 80% - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô sang thị trường các nước, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá bởi khi xuất các loại rau, củ quả tươi không qua khâu xử lý sau thu hoạch thời gian bảo quản ngắn, số lượng, chất lượng cũng như giá trị dinh dưỡng dễ thất thoát vì không được đầu tư đúng cách.
Chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng, song hiện nay công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, người nông dân chưa tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch. Chính điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa nông sản và câu chuyện “được mùa - mất giá” và người nông dân rơi vào cảnh lao đao vẫn chưa có hồi kết.
Mặt khác, do đặc thù sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, nên khâu bảo quản sau thu hoạch còn vướng ở nhiều khâu, chưa có giải pháp triệt để. Riêng đối với các DN sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu, mặc dù biết rất rõ việc áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch giúp giảm tỷ lệ hao hụt, gia tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận thu về song vì việc này đòi hỏi phải đầu tư lớn, trong khi khả năng của DN còn hạn chế nên “lực bất tòng tâm”.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu là vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam cần một chiến lược dài hơi và sự tham gia của nhiều bộ, ngành chứ không chỉ là việc của từng DN đơn lẻ trên con đường chinh phục thị trường quốc tế, đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra thế giới.
Phương Nam/ Thời báo ngân hàng