Sản phẩm VietGAP và sự chuyển giao Metro VN
- Thứ bảy - 13/06/2015 23:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản xuất nhỏ kết nối thị trường lớn
Năm 2014, nhờ áp dụng bộ quy chuẩn VietGAP trong nông-thủy sản, Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro VN) đã xuất khẩu 81 container mặt hàng tôm, cá vào 19 nước thuộc hệ thống Metro toàn cầu, chưa kể các mặt hàng nông sản, nhất là trái thanh long… Đây là kết quả của việc 6 tập đoàn hàng đầu thế giới, gồm: Nestlé, Cargill, Syngenta … trong đó có Metro Cash & Carry Việt Nam triển khai dự án hợp tác công tư - PPP, hiện thực hóa sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) với mục tiêu nâng cao thu nhập nông dân cùng môi trường sống nông thôn tốt hơn. Từ năm 2011, Metro VN xây dựng chuỗi cung ứng nông và thủy sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho thị trường nội địa vốn đang bị bỏ ngỏ. VietGAP là bộ quy chuẩn cả nước để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, môi trường đảm bảo, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất.
Sản phẩm cà chua cherry và dâu tây từ trang trại Rừng Hoa Bạch Cúc có thể hái ăn trên cành vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Bộ NN-PTNT, phần lớn sản xuất nông thủy sản là nhỏ lẻ, nếu làm như thời gian qua sẽ mất nhiều thời gian mới có thể đạt được chứng nhận VietGAP trên diện rộng. Làm sao kết nối những hộ sản xuất nhỏ với doanh nghiệp để tiếp cận thị trường lớn. Theo đó, kết nối các bên tham gia trong chuỗi giá trị quyết định sự thành công. Cần có những hoạt động mang tính liên kết, sử dụng nguồn lực xã hội như cách Metro VN đã làm khi xây dựng vùng nguyên liệu rau quả, thủy sản theo những quy chuẩn cụ thể. Ngay từ năm 2008, khi chưa có VietGAP, Metro VN xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn Metro Requirements, có nhiều nét tương đồng với bộ quy chuẩn VietGAP.
Hiện nay về thủy sản, Metro VN đã đào tạo và cấp chứng nhận cho 400 nông dân và thương lái vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 70 hộ dân nuôi trồng thủy sản theo chuẩn Metro Requirenment, 28 hộ theo chuẩn VietGAP các mặt hàng tôm, cá (tra, chẽm, rô phi, điêu hồng, lóc, thát lát, chình). Hơn 60% lượng thủy sản của Metro VN là từ vùng ĐBSCL. Theo ông Philippe Bacac, Tổng Giám đốc Metro VN, trong việc phối hợp với Bộ NN-PTNT, Metro VN chủ trì nhóm công tác thủy sản về dự án liên kết công - tư (PPP), cùng đối tác xây dựng Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi thủy hải sản tươi sống khép kín đầu tiên, liên kết nhà nông với các kênh phân phối hiện đại, đảm bảo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tương tự, vùng nguyên liệu rau quả lớn nhất của Metro VN là Lâm Đồng cũng đã có 40/55 hộ nông dân vừa được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 15 hộ còn lại tiếp tục thực hiện để xét cấp đợt sau. 40 hộ này đã được Metro VN huấn luyện sản xuất theo tiêu chuẩn Metro GAP từ năm 2008, khi đó chưa có tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi ngày 3 vùng nguyên liệu Lâm Đồng là các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương cung cấp cho Merto VN từ 5 - 40 tấn rau quả… với 138 sản phẩm được kiểm tra, sơ chế và đóng gói, vận chuyển theo HACCP, chiếm hơn 80% lượng rau quả của Metro VN. Hiện có thêm 25 hộ dân được Metro VN huấn luyện áp dụng chuẩn VietGAP, như vậy hiện có 100ha tại Lâm Đồng sản xuất và cung ứng các mặt hàng rau quả, trái cây đặc sản cho hệ thống siêu thị Metro.
Tiếp tục sau khi chuyển giao?
Anh Võ Văn Tuấn, phụ trách Trạm trung chuyển tại Lâm Đồng cho biết, kế hoạch của Metro VN là huấn luyện nông dân để mở rộng diện tích, nhằm nâng cao sản lượng cung ứng cho Metro VN trong thời gian tới để nâng gấp đôi so với sản lượng hiện nay. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là việc mua - bán giữa Metro VN với Tập đoàn BJC Thái Lan sẽ ra sao, dù cho nội bộ BJC chưa thật sự đồng tình. Vấn đề này, ông Philippe Bacac cho biết, mua nông thủy sản trong vùng nguyên liệu nông thủy sản của Metro VN vẫn tiếp tục và sẽ được mở rộng do việc mua trực tiếp sản phẩm này là từ bộ phận khác của Tập đoàn Metro ở Hongkong điều hành, hoàn toàn độc lập với Metro VN. Mới đây, trong ngày trao chứng nhận VietGAP cho nông dân trồng rau quả tỉnh Lâm Đồng, ông Somporn Bhumiwat, Phó Tổng giám đốc Điều hành TCC Logistics & Wareehouse phụ trách bán lẻ, thuộc Tập đoàn TCC (cổ đông lớn nhất BJC trong việc mua lại Metro VN) cho biết, chúng tôi cam kết thực hiện tiếp những gì mà Metro VN đã triển khai, cũng như kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu Metro đã đề ra, kể cả chất lượng sản phẩm cũng không có gì thay đổi, nếu không nói là cố gắng để có thể làm tốt hơn. Thời gian qua, TCC đã cử bộ phận nhân sự cùng làm việc với Metro VN để có thể tiếp tục vận hành sau này. Một lấn cấn khác cũng được giải thích, khi khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, theo ông Somporn Bhumiwat, quan điểm của TCC, vấn đề là hiệu quả kinh tế. Chỉ những mặt hàng rau quả nào Việt Nam chưa có mới nghĩ tới việc đưa hàng Thái Lan hay nước khác vào thị trường Việt Nam, vì sản phẩm tại chỗ thường có lợi thế cạnh tranh. Cần phải nhìn rộng hơn với cộng đồng 600 triệu người tiêu dùng ở khu vực ASEAN... Tùy theo sản phẩm và dựa trên ưu thế cạnh tranh từ các sản phẩm bản địa trong sản xuất và thương mại để điều phối sản phẩm nào đó sao cho có lợi thế nhất về kinh tế. Sẽ có nông sản Việt Nam không chỉ vào thị trường nội địa Thái Lan mà còn vào 9 nước khác ở khu vực, như: Myanmar, Campuchia, Lào, Philippines… thông qua mạng lưới của tập đoàn và ngược lại. Cùng ở khu vực Đông Nam Á, có thể nói, TCC hiểu rõ tâm lý người tiêu dùng hơn và khi kinh doanh ở đất nước nào, cả nhà đầu tư và người dân tại chỗ cùng có lợi mới có thể làm ăn lâu dài và bền vững.