Sản xuất cà phê gắn liền sơ chế để nâng giá trị nông sản
- Thứ sáu - 29/11/2019 04:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều địa phương liên kết với doanh nghiệp chế biến để đi đến phát triển ổn định.
Nhiều tổ chức nông dân đã tập trung vào đầu tư hệ thống máy móc sơ chế cà phê. |
Những năm trước, vào mùa thu hoạch, các thành viên của Hợp tác xã Trường Sơn - Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chỉ có một kênh tiêu thụ duy nhất, đó là bán cà phê tươi cho thương lái. Vì vậy, họ luôn phải hứng chịu những thiệt thòi khi bị ép giá hoặc nông sản làm ra không được tiêu thụ ổn định. Đến khoảng giữa năm 2017, Hợp tác xã này mới kết nối được một số doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho cà phê.
Ông Nguyễn Song Vũ, Giám đốc mảng cà phê Hợp tác xã Trường Sơn - Cầu Đất cho biết, các doanh nghiệp chế biến cần cà phê chất lượng và Hợp tác xã đã đáp ứng được. Năm 2018, để tiếp tục sản xuất hiệu quả, Hợp tác xã quyết định đầu tư hệ thống máy sơ chế và nhà kho, sân bãi.
“Chúng tôi không đủ khả năng mua máy mới nên đã chuyển hướng mua máy móc cũ từ một doanh nghiệp phá sản. Với giá 800 triệu đồng, hệ thống máy xay, xát… được hoàn thiện và đi vào vận hành có hiệu quả”, ông Vũ chia sẻ.
Theo ông Vũ, Hợp tác xã hiện có khoảng 120ha cà phê Arabica và nguồn nông sản này đã được tiêu thụ bởi 4 doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM. Mùa vụ năm 2018, cà phê được sơ chế để cung cấp cho doanh nghiệp nên HTX đã mua cà phê tươi của các thành viên với mức giá cao hơn thị trường từ 3.000-3.500 đồng/kg.
“Năm nay, chúng tôi sẽ sơ chế và xuất trên 200 tấn nhân cho các doanh nghiệp. Nhờ vận hành tốt công nghệ sơ chế nên giá cà phê cũng được nâng lên, cao hơn trước đây, ông Nguyễn Song Vũ thổ lộ.
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích sản xuất cà phê sạch và kết nối doanh nghiệp. |
Trong khi đó, nông dân trồng cà phê ở các xã Đưng K’Nớ, Đạ Sar, xã Lát của huyện Lạc Dương đang có được sự phát triển ổn định. Tại những địa phương này, các doanh nghiệp như Công ty Married Beans, Công ty A.COM và Công ty OLAM đã đầu tư hệ thống rang xay và nông dân đứng ra sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu.
Một người trồng cà phê cho hay, trong quá trình sản xuất, họ từng gặp khó khăn do bị thương lái ép giá. Chỉ đến khi địa phương có doanh nghiệp về đầu tư hệ thống sơ chế, bao tiêu sản phẩm thì người trồng mới có cơ hội thoát “kiếp nạn”.
Ông Nguyễn Văn Huy cho hay: “Liên kết sản xuất cà phê với các công ty thì mình phải sản xuất theo quy trình của họ, phải đảm bảo chất lượng. Tuy có khó hơn so với cách làm cũ nhưng cà phê làm ra được họ mua hết, mua với giá cao hơn thương lái”.
Theo ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương, địa phương có trên 4.200ha cà phê Arabica. Thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều biện pháp trong kết nối doanh nghiệp, mời doanh nghiệp xây dựng hệ thống sơ chế tại các xã trọng điểm về cà phê để cùng phát triển. Huyện đang hướng đến xây dựng mô hình mỗi xã một cơ sở sơ chế, giúp nông dân phát triển ổn định với cây cà phê.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh có diện tích cây cà phê lớn ở Tây Nguyên với khoảng 174.000ha. Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh này, những năm qua, người canh tác cà phê gặp khó khăn khi giá giảm và gia tăng dịch bệnh, sâu hại. Để phát triển ổn định, tỉnh khuyến cáo nông dân chuyển sang quy trình sản xuất sạch và tham gia các chuỗi liên kết. Ngành nông nghiệp cũng vận động các tổ chức nông dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống sơ chế để đi đến sự phát triển bền vững.
Tỉnh Lâm Đồng xác định sơ chế là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành cà phê. |
Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, địa phương có khoảng 1.300ha cà phê với năng suất bình quân gần 18 tấn/ha. Hiện xã có 2 hợp tác xã đầu tư hệ thống máy sơ chế, rang xay và hoạt động ổn định. Một số hợp tác xã còn lại cũng đang đầu tư xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian tới. “Giá cà phê tươi hiện nay khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Nếu sơ chế 6kg cà phê tươi sẽ được 1kg nhân và có thể bán được 100.000 đồng/kg nhân”, ông Bình cho biết. |