Sản xuất, kinh doanh cây kiểng và nấm

Ông Nguyễn Thanh Phúc (ngụ ấp 4, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) là một trong 7 nông dân tiêu biểu vừa được Hội Nông dân TPHCM tuyên dương trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.
Với diện tích canh tác 5.500m² (trong đó 3.500m² trồng kiểng; 2.000m² trồng nấm và sản xuất phôi nấm, năng suất 45.000 phôi/tháng), ông Phúc đã năng động, sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật trong mô hình trồng nấm (nhà màng), đem lại thu nhập cao. 

Ông Phúc chia sẻ: “Tôi dân chính gốc ở Quảng Ngãi nhưng từ khi rời quân ngũ (năm 1984), tôi chọn huyện Củ Chi là nơi lập nghiệp, đến giờ đã có cuộc sống khá giả, ổn định, đều nhờ vào nghề sản xuất, kinh doanh cây kiểng và trồng nấm”.

Với kiến thức học được tại Trường Trung cấp Nông nghiệp, năm 1989, ông Phúc quyết định làm nghề trồng hoa kiểng. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Các thí nghiệm ươm, ghép giống mới đôi lúc không thành công, tốn kém nhiều chi phí; sâu bệnh cũng gây thiệt hại không ít. Không nản chí, ông Phúc chịu khó mày mò nghiên cứu và đi tham quan học tập những mô hình mới, mô hình hiệu quả trên địa bàn trong và ngoài TP để từ đó rút kinh nghiệm. Hiện với 3.500m² ông trồng đủ các loại hoa, cây kiểng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Đến nay, ông đủ tự tin truyền đạt lại kinh nghiệm trồng và ươm giống hoa cây kiểng để sao cho ra những sản phẩm đạt chất lượng. Ngoài ra, còn nhận chăm sóc bảo dưỡng cây xanh cho các công ty, xí nghiệp, trồng cây kiểng cho các công trình. 

Bên cạnh trồng cây kiểng, ông Phúc còn sản xuất phôi nấm và trồng nấm linh chi đỏ. Ông chia sẻ, việc đến với nghề trồng nấm linh chi đỏ với ông là một mối duyên buồn. Đó là năm 2012, vợ ông bị bệnh ung thư. Nghe mọi người nói nấm linh chi đỏ có thể chữa được bệnh của vợ nên ông đã tìm mua loại thảo dược này và bắt đầu tìm hiểu cách sản xuất nấm. Ông tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, tìm đến Khu Công nghệ cao để học kỹ thuật trồng nấm. Lúc đầu, ông chỉ trồng thử khoảng 10.000 phôi nấm trên diện tích 200m². Sau 5 tháng thu hoạch được hơn 100kg nấm, thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Thấy nghề trồng nấm phát triển được, ông mở rộng quy mô sản xuất lên 1.000m² và thành lập Công ty TNHH Dịch vụ giải pháp Phúc Nguyễn (tại phường 10, quận Gò Vấp) để tiêu thụ loại nấm này.
Năm 2015, ông tiếp tục đầu tư 3 tỷ đồng để trang bị các thiết bị sản xuất khép kín theo công nghệ nhà kính nhằm đưa ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn. Hiện nay, ông không trực tiếp sản xuất nấm linh chi đỏ mà làm phôi rồi giao cho các hộ nông dân khác, sau đó thu mua lại sản phẩm. Vốn là người ham học hỏi, ông cũng tìm hiểu và sản xuất nấm bào ngư, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 70kg. Từ việc sản xuất, kinh doanh, sau khi trừ chi phí, một năm bình quân thu nhập gia đình ông trên 400 triệu đồng. 

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Phúc luôn sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Ông đã giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng tại cơ sở sản xuất nấm và trồng cây công trình; hỗ trợ vốn, vật tư kỹ thuật cho 7 hộ nghèo; phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức dạy nghề cho lao động ở địa phương, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho 30 người với thu nhập ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Phúc là mô hình điểm, được nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm. 

Ông Nguyễn Thanh Phúc đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của UBND TPHCM trong thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi; đạt danh hiệu “Nông dân tiêu biểu thành phố” năm 2017.

Theo SGGP