Sản xuất lúa có giá trị cao: Cần sự chung sức của Nhà nước
- Thứ sáu - 13/10/2017 10:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông là Nguyễn Ngọc Can, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn, người đang rất thành công trong việc gieo trồng giống lúa thảo dược trên vùng đất Lương Sơn.
Ông Can (người đeo kính) đang trao đổi về giống lúa thảo dược.
Đưa giống lúa “lạ” về Việt Nam
Đi hơn 2 giờ đồng hồ ô tô, tôi cũng đến được UBND xã Bắc Sơn (huyện Lương Sơn), trụ sở của HTXDVNN Bắc Sơn cũng đóng ở đây. Tiếp chúng tôi tại căn phòng làm việc đơn sơ của ông Can còn có ông Bùi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn.
Ông Can cho biết, giống lúa thảo dược được ông đem về từ đất nước Chùa Tháp - Campuchia từ năm 2010 bởi đây là giống có khả năng hỗ trợ chữa các bệnh về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, ung thư… Điều đặc biệt là, các bộ phận của cây lúa đều được sử dụng một cách triệt để nhất. Lá và thân lúa chế biến thành trà, gốc rạ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Giống lúa này có một điều đặc biệt là, có hương thơm ngát, rất dễ nhận biết.
Ông Can hồ hởi cho chúng tôi biết về kỹ thuật trồng giống lúa thảo dược này, lúa được gieo cấy vào vụ đông xuân (khoảng tháng 12), sau 3 tháng chăm sóc là được thu hoạch. Lúa chỉ cần cấy một dảnh nhưng trong quá trình sinh trưởng và phát triển sẽ đẻ ra rất nhiều, mỗi gốc có khoảng 15 cây con. Mật độ cấy là 20x20cm (cây cách cây, hàng cách hàng). Lúa được bón bằng 100% phân vi sinh.
Lúa thảo dược có bông dài, mỗi bông có khoảng 250 hạt, cây cao hơn lúa thường khoảng 20cm, năng suất trung bình đạt trên 8 tấn/ha. Loại lúa này khỏe, ít bị sâu bệnh phá hoại, thích hợp với nhiều vùng đất. Hiện nay, ở Lương Sơn có 3ha và 5ha được trồng tại Ninh Hiêp (Gia Lâm- Hà Nội).
Ông Can cho biết, hiện nay trên thị trường, giá thóc giống thảo dược lên đến 100.000 đồng/kg, giá gạo là 80.000 đồng/kg. Do gạo có khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh nên nhiều khách hàng quan tâm và sử dụng, thậm chí sản phẩm lúa thảo dược cũng đã được HTX tổ chức giới thiệu và bán tại thị trường nước Anh và nhận được phản hồi tích cực, vì vậy cung không đủ cầu.
Ông chia sẻ thêm, nếu được hướng dẫn cụ thể, người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình nhờ giống lúa này bởi chi phí thấp, nhưng lợi nhuận lại cao, công chăm sóc không nhiều.
Cần sự chung sức của Nhà nước
Tôi hỏi ông Can: “Vì sao một giống lúa có khả năng chữa được bệnh, đầu ra rộng mở, sao lại trồng ít thế?”. Nhấp một ngụm trà, ông chia sẻ: Chúng tôi không đủ nhân lực để triển khai trồng loại lúa thảo dược này ở các địa phương khác và chưa thể mở rộng diện tích và trồng đại trà bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, đất nông nghiệp hiện đã chia cho các hộ nông dân, nên chúng tôi không có đất để triển khai và trồng loại lúa này. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải. Vì thiếu đất canh tác mà chúng tôi không có đủ số lượng gạo thành phẩm để xuất khẩu mặc dù đã có đơn hàng. Vì vậy, rất mong các địa phương nơi chúng tôi triển khai dự án cho thuê đất lâu dài và được hưởng các chính sách ưu đãi.
Để có đất sản xuất, chúng tôi bằng nhiều cách vận động bà con cho thuê những thửa ruộng bỏ hoang không canh tác để thực hiện trồng loại lúa thảo dược này, nhưng cũng không được là bao.
Thứ hai, chúng tôi rất cần Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình gieo cấy và phát triển bền vững đối với loại lúa thảo dược này.
Thứ ba, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn rất cần các cơ quan tạo điều kiện và giới thiệu quảng bá sản phẩm lúa thảo dược ra thị trường.
Thứ tư, ngành nông nghiệp hỗ trợ và giúp chúng tôi tổ chức thực hiện và áp dụng những biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Bùi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn, chia sẻ: Việc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn đang thực hiện dự án trồng cây lúa thảo dược trên địa bàn đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, vì là xã miền núi, diện tích đất canh tác hạn chế nên chính quyền chỉ hỗ trợ HTX 5 chiếc máy cày.
Hiệu quả của mô hình đã được HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn kiểm chứng bằng việc sản phẩm lúa thảo dược luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cho việc triển khai trồng lúa đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Mong muốn của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn Nguyễn Ngọc Can rất cần được sự lưu tâm của Nhà nước và các cơ quan chức năng để thương hiệu gạo “Thảo dược Bắc Sơn” được chắp cánh bay xa.
Phạm Ngọc Thủy/ Kinh tế nông thôn