Sản xuất nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị

Sản xuất nông nghiệp hướng đến nâng cao giá trị
Có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với khối lượng xuất khẩu nhiều loại nông sản như lúa gạo, cà phê, thuỷ sản... đứng “top” đầu thế giới, nhưng đời sống của đại bộ phận nhà nông Việt Nam vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do thời gian dài ngành nông nghiệp vẫn xem nặng phát triển số lượng mà chưa quan tâm đến việc nâng cao giá trị sản phẩm.


Sản phẩm tăng nhưng lợi nhuận giảm

Tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa thường có xu hướng tăng hàng năm, khoảng 4.000 đồng/kg và có sự chênh lệch giữa các tỉnh trong cả nước. Do chi phí tăng cao, thu nhập của nhà nông đã ngày càng giảm dần và có nguy cơ đối mặt với tình trạng thua lỗ. 

Giảm số lượng, nâng cao chất lượng là giải pháp ưu tiên của ngành nông nghiệp giúp nhà nông nâng cao được thu nhập.


“Năm 2013, sản lượng lúa gạo của cả nước đạt mức kỷ lục với hơn 44 triệu tấn và số lượng xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới. Điều đáng quan tâm là sự gia tăng số lượng lại tỷ lệ nghịch với giá trị khi thu nhập của nhà nông lại giảm và nhiều nơi còn đối mặt với thua lỗ. Cụ thể, giá bán ra phải đạt ít nhất 5.000 đồng/kg trở lên thì người trồng lúa mới bảo đảm lãi 30%. Tuy nhiên, giá gạo thương lái thu mua chỉ dao động trên dưới 4.000 đồng/kg và như vậy nhà nông giỏi lắm cũng chỉ mong huề vốn hoặc lấy công làm lời”, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang) cho hay.

Có nhiều nguyên nhân khiến lúa gạo cũng như nhiều loại nông sản khác của nước ta không nâng cao được giá trị xuất khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích canh tác khoảng 1,8 triệu ha lúa, sản lượng lương thực hàng năm đạt 25 triệu tấn, chiếm 57% sản lượng cả nước. Đến nay khu vực này cơ cấu gieo trồng vẫn là 45% giống phẩm cấp gạo thấp, 35% giống chất lượng gạo trung bình và chỉ 20% giống chất lượng cao đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu. 

Theo ông Tiến, trong nước có nhiều giống lúa thơm, đặc sản nhưng sản lượng lại quá ít và tính ổn định không cao. Hiện nay, gạo thơm vẫn được giá, xuất khẩu tăng mạnh và có thể là lối ra cho xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong tương lai nhưng lại tồn tại nhiều hạn chế khi chất lượng đang lẫn lộn giữa các giống gạo thơm, thơm nhẹ, hạt dài như Jasmine, nàng Hoa... khiến chất lượng chưa ổn định.

Tập trung tăng chất lượng

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc ngành nông nghiệp phải thay đổi chiến thuật, chú trọng đến chất lượng nông sản. “Ngành nông nghiệp cần từ bỏ phương thức sản xuất cũ, lấy tăng số lượng làm mục tiêu, mạnh dạn chuyển sang tăng chất lượng bằng cách vận động nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững với môi trường. Có như vậy mới tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững”, chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn đề xuất.

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương vẫn duy trì quỹ 3,8 triệu ha đất lúa. Tuy nhiên trên đất lúa, Bộ khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác, có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ cũng dự kiến chuyển đổi hơn 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác mang lại lợi nhuận. Các tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa gạo sẽ điều chỉnh lại lịch thời vụ, chú trọng tập trung những giống lúa chủ lực cho xuất khẩu như loại gạo thơm, hạt dài thay vì quá nhiều giống như hiện nay. Việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa được xem là giải pháp mang tính đột phá để tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng. 

Ông Phạm Văn Dư, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, theo “Dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030” đang xây dựng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành trong quý 4/2014. Cục cũng sẽ hoàn chỉnh 7 đề án phục vụ tái cơ cấu ngành trồng trọt, tập trung vào các chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, cà phê, cao su, điều, mía đường, rau hoa quả... để tập trung nâng cao giá trị sản xuất cho các ngành này. 

“Trước tiên chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung thực hiện tổ chức lại sản xuất ở vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước, trong đó định hướng lúa gạo sẽ là ngành hàng chiến lược quan trọng số một của ngành. Các ngành chức năng sẽ xây dựng và đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu gạo, phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Hiện 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành quy hoạch và xác định vùng nguyên liệu, tổ chức liên kết nông dân, phát triển các hình thức hợp tác... nhằm giúp nhà nông nâng cao được giá trị hạt gạo”, ông Dư nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Nguồn baotintuc.vn