Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn: Đề xuất sửa luật để tích tụ đất đai
- Thứ tư - 29/03/2017 21:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp manh mún làm cản trở phát triển
Những năm qua, nhiều tập đoàn lớn phi nông nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai,… Những đơn vị này cũng áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt. Các nhà đầu tư này vào nông nghiệp với mong muốn đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư và giảm thiểu rủi ro, tăng cường cơ hội thương mại cho các ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn mình.
Với nguồn lực đầu tư lớn, cùng với kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, doanh nhiệp nhỏ làm vệ tinh của mình nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất – kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy - sản (NLTS); thắp lửa tinh thần khởi nghiệp cho nông dân trở thành những doanh nhân trên chính mảnh đất của họ.
Tuy nhiên, đánh giá về tình hình thực hiện chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ KH&ĐT nhận định, khu vực DN của Việt Nam nói chung, và đặc biệt DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn trong bối cảnh phát triển kinh tế trong nước và thế giới như phải chống chọi với lạm phát, lãi suất cao, tỷ giá biến động mạnh, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng…, trong khi năng lực tài chính, nhân lực và khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế dẫn đến các DN Việt Nam đang mất dần khả năng cạnh tranh cả trên thị trường quốc tế và thị trường Việt Nam.
Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, các DN NLTS có nhiều lợi thế, khả năng trả lãi vay, khả năng quay vòng vốn là cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn DN trong và ngoài nước bỏ vốn vào, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi (các Nghị định 80/2011/NĐ-CP, 55/2015/NĐ-CP, các Quyết định 1956/2010/QĐ-TTg; 62/2013/QĐ-TTg về tín dụng, tăng ưu đãi cho DN).
Trong số thách thức mà DN nông thôn phải đối mặt, thì vấn đề đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chính sách đất đai còn phức tạp nên việc tích tụ đất quy mô lớn để sản xuất hàng hoá gặp nhiều khó khăn đang là một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức.
Qua 3 năm thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh những kết quả đạt được thì một trong các vướng mắc là ưu đãi đất đai quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định 210 (Nhà nước ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất của nhà đầu tư thực hiện dự án nông nghiệp, nông thôn khi được Nhà nước giao đất) chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013.
Hiện Luật Đất đai 2013 mới chỉ quy định việc giao đất nông nghiệp cho đối tượng hộ gia đình, còn đối với tổ chức kinh tế thì mới chỉ có hình thức thuê hàng năm hoặc lâu năm, đây chính là quy định dẫn đến những vướng mắc trong tích tụ đất nông nghiệp hiện nay, đất nông nghiệp chưa thực sự là hàng hóa và có giá trị thấp.
Mặt khác, đất nông nghiệp (có giá trị giá trị thấp hơn đất ở) lại có quy định về thời hạn sử dụng (tối đa 50 năm) và hạn mức diện tích sử dụng, đây được xem là bất cập và phân biệt chính sách giữa hai loại đất trên, dẫn đến nhiều cản trở đối với việc tích tụ đất nông nghiệp; gây khó khăn cho DN khi cần diện tích đất lớn để đầu tư dự án nông nghiệp.
Sửa luật để có thể sản xuất lớn
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã giao Bộ KH&ĐT: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT đề xuất, đối với đất nông nghiệp, để đẩy nhanh việc tích tụ đất đai hướng tới sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp thì cần sửa đổi chính sách để đất nông nghiệp có thể sở hữu, chuyển nhượng dễ dàng.
Hiện Luật Đất đai mới chỉ quy định việc giao đất nông nghiệp cho đối tượng hộ gia đình, còn đối với tổ chức kinh tế thì mới chỉ có hình thức thuê hàng năm hoặc lâu năm, hơn nữa đất nông nghiệp có giá trị thấp (so với đất ở), nhưng lại có quy định về thời hạn sử dụng (tối đa 50 năm) và hạn mức diện tích sử dụng, đây được xem là bất cập và phân biệt chính sách giữa hai loại đất trên, dẫn đến nhiều cản trở đối với việc tích tụ đất nông nghiệp.
Đối với đất nông nghiệp đã giao thì khẩn trương, đơn giản hóa thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho người sử dụng và nếu không có nhu cầu sử dụng thì được phép chuyển nhượng dễ dàng cho hộ gia đình hoặc tổ chức kinh tế có nhu cầu; đối với đất đã cho thuê xem xét để thu tiền sử dụng đất một lần theo giá thị trường; đối với đất chưa giao thì tổ chức bán, đấu giá theo giá thị trường và giao đất cho cả hộ gia đình lẫn tổ chức kinh tế.
Xây dựng cơ sở pháp lý thu hồi đất nông nghiệp của các đối tượng được giao quyền nhưng bỏ hoá hoặc sử dụng không hiệu quả nhưng vẫn giữ đất do tâm lý sợ mất đất. Trong đó nghiên cứu sử dụng biện pháp thuế đất đối với đất bỏ hoá, đất sản xuất không hiệu quả để hướng tới tăng cường chuyển nhượng, tích tụ và sử dụng hiệu quả đất được giao.
Bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích các hộ nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, DN phát triển sản xuất hàng hoá lớn như: Chính sách tín dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, thuế,… Từ đó góp phần thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai.
Bộ này cũng đề xuất cơ chế tích tụ đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa các sản phẩm chủ lực có tiềm năng. Cụ thể, yêu cầu các địa phương rà soát, đo đạc và cấp giấy chứng nhận cho tổ chức cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, trong đó giảm tối đa thủ tục hành chính. Đối với nông lâm trường quốc doanh, rà soát, đẩy nhanh việc thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định tại Điều 6 Nghị định 118 về đổi mới công ty nông lâm nghiệp. Đối với dự án chế biến NLTS cho phép sử dụng tối đa 10% diện tích đất nông nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản.