Sản xuất nông sản cần tiếp cận thị trường tiêu thụ
- Chủ nhật - 19/04/2015 22:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mua nông sản ủng hộ nông dân của cộng đồng xã hội đã phần nào giảm bớt nỗi lo cho các hộ canh tác. Nhưng dù có được hỗ trợ, giá thu mua những loại nông sản này vẫn thấp, chưa đến một nửa giá tính toán và thấp dưới giá thành sản xuất của nông dân. Hiện nay, các hộ thu hoạch hành tím từ trước Tết ở Sóc Trăng chỉ bán được với giá 3.000 đồng/kg do tích trữ lâu, chất lượng giảm. Đối với thị trường dưa hấu, trong một tuần qua đã được các tổ chức trực tiếp thu với mức giá 1.500 – 2.000 đồng/kg, cao hơn giá do thương lái hứa (500 đồng/kg). Song mức giá này vẫn thua xa so với giá thành sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là dù tiêu thụ được dư nhưng nông dân vẫn thua lỗ.
Tấm lòng của cộng đồng là điều cần ghi nhận. Nhưng sản xuất bền vững không thể chỉ dựa vào lòng trắc ẩn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng được mùa – mất giá vốn ám ảnh nông dân trong nhiều năm qua? Ts Vũ Đình Ánh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa tiếp cận với thị trường đúng cách và bài bản. Việc sản xuất nông sản ở nước ta, nhất là đối với các loại trái cây, có thể nói là hoàn toàn tự phát, không theo một quy hoạch nào, và hầu như chẳng có quy hoạch đối với các loại nông sản ngắn ngày. Thực tế, riêng bốn tỉnh miền Trung đầu năm nay đã gieo trồng 4.000ha dưa hấu với tổng sản lượng trên 100.000 tấn, và cùng với một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tạo ra một khối lượng dưa rất lớn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ dưa hấu phần lớn chỉ trong nước và Trung Quốc, nên việc giá thấp hơn nhiều lần chi phí sản xuất, bán không ai mua rất dễ xảy ra. Câu chuyện tương tự với vải thiều, thanh long, chôm chôm... nông dân phá quy hoạch, tự phát trồng thêm khi giá cao và phải ngậm ngùi chịu cảnh được mùa - mất giá.
Trong lĩnh vực thương mại, vai trò chủ yếu của Bộ Công thương là xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Bộ có thể điều tra, nghiên cứu để nắm bắt một cách tương đối nhu cầu đối với một mặt hàng nào đó qua việc tổng hợp các dữ liệu thống kê hàng năm. Chẳng hạn, cần phải biết được lượng xuất khẩu hàng năm qua Trung Quốc hay các thị trường trọng điểm khác đối với các mặt hàng có khối lượng hàng hóa lớn như dưa hấu, vải, chôm chôm, thanh long… và cung cấp thông tin cho các cơ quan trong nước. Vai trò của Bộ Nông nghiệp và PTNT là dựa trên số lượng thống kê về nhu cầu thị trường từ Bộ Công thương để xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng. Qua hệ thống ngành dọc của mình gồm các Sở Nông nghiệp và PTNT, các phòng nông nghiệp ở quận, huyện, Bộ sẽ đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng.
Bên cạnh vai trò của bộ, ngành quản lý Trung ương, thì việc định hướng cho nông dân canh tác, chăn nuôi còn có thể huy động sự tham gia của hội nông dân, các hợp tác xã, các hiệp hội... Lực lượng hỗ trợ nông dân không thiếu, song hiện các dữ liệu về nhu cầu thị trường hầu như không có hay không đến được với nông dân. Ngoại trừ các lĩnh vực sản xuất lúa gạo và một số loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê… có lẽ do giá trị xuất khẩu lớn, nên các hiệp hội thường tổ chức điều tra nắm bắt sản lượng và đưa ra khuyến cáo, còn trong những lãnh vực sản xuất khác, nông dân hoàn toàn tự bơi.
Những hành động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản đã thực hiện là điều cần ghi nhận. Nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ. Các cơ quan chức năng hay bắt đầu nghiên cứu những căn cứ khoa học về thị trường để đưa ra hệ thống giải pháp bài bản. Và chính quyền địa phương hãy chủ động tìm hiểu loại cây trồng thay thế, xây dựng kịch bản ứng phó với những rủi ro trong canh tác nông nghiệp, không thể mãi vẫn cứ phản ứng chậm chạp, nước đến chân mới nhảy như hiện nay.